Đức ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 28 năm qua

Số người không có việc làm tại Đức trong tháng Năm vừa qua giảm thêm 1.000 người so với tháng trước, đánh dấu tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục kể từ khi nước Đức tái thống nhất năm 1990.
Đức ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 28 năm qua ảnh 1Một phân xưởng lắp ráp tại nhà máy sản xuất ô tô Audi ở Ingolstadt, miền nam nước Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thống kê chính thức công bố ngày 30/5 cho thấy số người không có việc làm tại Đức trong tháng 5/2018 thấp hơn so với tháng trước đó, đánh dấu tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục kể từ khi nước Đức tái thống nhất năm 1990.

Theo số liệu đã điều chỉnh của Cơ quan Lao động liên bang Đức (BA), trong tháng Năm này, số người không có việc làm giảm thêm 1.000 người so với tháng trước, đứng ở mức 5,2%, tương đương 2,358 triệu người.

Con số này đã gạt đi những quan ngại về sức khỏe của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

BA nêu rõ, phần lớn trong số 800.000 việc làm mới được bổ sung trong tháng Năm là các lao động làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực an sinh xã hội, bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác cũng hút lao động như xây dựng, giao thông.

[Lòng tin của các nhà đầu tư Đức vẫn ở mức thấp nhất trong 5 năm qua]

Theo người đứng đầu BA Detlef Scheele, tỷ lệ thất nghiệp và tái thất nghiệp đang tăng trở lại, song số người lao động tìm được việc làm trong hệ thống an sinh xã hội lại tăng trong khi nhu cầu lao động cũng đang ở mức cao.

Dấu hiệu tích cực trên thị trường lao động Đức được nhìn nhận là đòn bẩy giúp củng cố niềm tin người tiêu dùng cũng như chi tiêu gia đình tại Đức trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu những năm gần đây đang coi nhu cầu trong nước là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, có ý kiến về các nguy cơ đe dọa nền kinh tế Đức, trong đó có nguy cơ xảy ra biện pháp trả đũa thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu khi hạn chót về việc Mỹ đưa ra quyết định áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhôm và thép sắp đến gần.

Chuyên gia kinh tế của Công ty KfW Joerg Zeuner cho rằng các công ty Đức cần tỉnh táo và thận trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Đức và Mỹ có thể leo thang.

Bên cạnh đó, tình hình rối ren trên chính trường Italy cũng gây quan ngại cho các thị trường tài chính và chính phủ nhiều nước châu Âu do lo ngại kịch bản một cuộc bầu cử sớm ở nước này vào tháng Chín tới sẽ mang lại chiến thắng cho các chính đảng có quan điểm phản đối hội nhập châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục