Đức kêu gọi chính phủ các nước ban hành quy định về tiền điện tử

Trong tuần này, Cơ quan Giám sát tài chính liên bang Đức cho rằng cần có quy định toàn cầu để quản lý lĩnh vực tiền điện tử nhằm bảo vệ người dùng, ngăn hành vi rửa tiền và đảm bảo ổn định tài chính.
Đức kêu gọi chính phủ các nước ban hành quy định về tiền điện tử ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Trong tuần này, Cơ quan Giám sát tài chính liên bang Đức (BaFin) cho rằng cần có quy định toàn cầu để quản lý lĩnh vực tiền điện tử nhằm bảo vệ người dùng, ngăn hành vi rửa tiền và đảm bảo ổn định tài chính.

Phát biểu với báo giới tại thành phố Frankfurt ngày 13/12, Chủ tịch BaFin, ông Mark Branson nhấn mạnh thực tế cho thấy việc các chính phủ không can thiệp vào lĩnh vực tiền điện tử là một sai lầm. Ông Branson cho rằng “mùa Xuân của tiền điện tử” có thể tiếp nối “mùa Đông của tiền điện tử” (giai đoạn giá các đồng tiền điện tử giảm mạnh), nhưng lĩnh vực này rất có thể sẽ có nhiều liên kết hơn với các mô hình tài chính truyền thống.

Do đó, Chủ tịch BaFin kêu gọi các nước cần có quy định nghiêm ngặt về tiền điện tử. Ông Branson nhấn mạnh điều quan trọng nhất là lĩnh vực này không chỉ cần có quy định của châu Âu mà cần có quy định "trên toàn cầu".

Hiện các quy định pháp lý về tiền điện tử còn lỏng lẻo và chắp vá. Chính phủ Đức yêu cầu các ngân hàng phải có giấy phép mới được xử lý các giao dịch tiền điện tử. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về dự luật Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa (MiCA) nhằm quản lý, cũng như giám sát tiền điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành trên toàn châu lục.

Trong khi đó, một số chuyên gia, bao gồm cả Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, cho rằng EU sẽ cần phải có MiCA 2 với các điều khoản mở rộng hơn trong tương lai.

[Nhà sáng lập sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX bị buộc tội lừa đảo]

Ông Branson đưa ra phát biểu trên chỉ vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ cáo buộc "ông trùm tiền điện tử" Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch tiền điện tử FTX chiếm dụng hàng tỷ USD của khách hàng và có những hành vi phi pháp được cho là có thể trở thành một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất tại Mỹ.

Tháng 11 vừa qua, FTX và các công ty con của sàn giao dịch này tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản và ông Bankman-Fried từ chức CEO của FTX.

Sàn giao dịch tiền điện tử từng lớn thứ 2 thế giới này đã sụp đổ một cách chớp nhoáng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không thể tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại.

Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện các chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research (cũng do ông Bankman-Fried sáng lập). Đồng thời, sàn tiền điện tử cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục