Đức thành lập lực lượng đặc nhiệm xử lý vấn đề vắcxin COVID-19

Chính phủ liên bang Đức đã thành lập lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ phụ trách việc mở rộng các cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu cũng như các công việc liên quan tới vắcxin phòng COVID-19.
Đức thành lập lực lượng đặc nhiệm xử lý vấn đề vắcxin COVID-19 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Chính phủ liên bang Đức ngày 24/2 đã thành lập lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ phụ trách việc mở rộng các cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu cũng như các công việc liên quan tới vắcxin phòng COVID-19. Biện pháp này được đưa ra nhằm ứng phó với chương trình tiêm chủng đang diễn tiến hết sức chậm chạp hiện nay ở Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các Bộ Tài chính, Kinh tế và Y tế liên bang thông báo sẽ kịp thời can thiệp với những công ty liên quan khi xảy ra nguy cơ tắc nghẽn hoặc khó khăn trong quá trình sản xuất vắcxin. Đội đặc nhiệm liên ngành sẽ phụ trách việc thu mua nguyên liệu, sản xuất và đóng lọ vắcxin và những phụ phẩm cần thiết như ống tiêm và dung dịch muối để pha loãng vắcxin khi tiêm.

Đội đặc nhiệm cũng sẽ cùng một ủy ban quốc vụ khanh (từ các bộ) phối hợp để đảm bảo có đủ vắcxin cho mọi người dân Đức theo kế hoạch tiêm chủng. Về trung hạn, hai đơn vị này sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất vắcxin ở Đức cũng như hỗ trợ địa điểm nghiên cứu của Đức.

Trong cuộc trả lời báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) ngày 24/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba ở Đức, cho rằng Đức phải hết sức thận trọng, không để phải phong tỏa toàn quốc thêm một lần nữa.

Theo Thủ tướng Merkel, Đức đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch và có thể xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba với sự xuất hiện của những biến thể virus mới. Bà cũng nhấn mạnh AstraZeneca được các chuyên gia đánh giá là vắcxin đáng tin cậy, hiệu quả và an toàn, đồng thời cho rằng mọi người không thể lựa chọn vắcxin mong muốn trong điều kiện vắcxin còn khan hiếm như hiện nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với FAZ, Thủ tướng Merkel cũng lên tiếng phản đối việc dành những đặc quyền cho những người đã được tiêm chủng. Theo bà, nhà nước không nên đối xử khác nhau với những người đã được tiêm và chưa được tiêm, dù số người đã được tiêm ít hơn nhiều so với số người đang chờ được tiêm chủng.

Ngoài ra, cũng chưa thể làm rõ việc những người đã được tiêm không còn khả năng lây nhiễm cho người khác. Cho tới nay, Đức đã tiêm chủng được cho trên 5,3 triệu người, trong đó mới có 1,8 triệu người được tiêm đủ 2 mũi (2,2% dân số).

Liên quan việc tiêm chủng, Chính phủ Đức cùng ngày 24/2 thông báo sẽ phạt tới 25.000 euro đối với những trường hợp không tuân thủ quy định ưu tiên trong tiêm phòng mà "lách luật" để được tiêm trước. Kế hoạch tiêm chủng phải tuân thủ theo các nhóm ưu tiên đã được thông báo.

[Đức: COVID-19 sẽ chưa kết thúc cho tới khi thế giới được tiêm chủng]

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tiếp tục cảnh báo sự nguy hiểm của các biến thể mới ở Đức. Chuyên gia về y tế của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Karl Lauterbach cho rằng Đức đã bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ ba do sự lây lan mạnh của các biến thể virus SARS-CoV-2. Tuy số ca lây nhiễm có giảm, song số ca dương tính với biến thể mới lại tăng mạnh, trung bình 22%, có nơi chiếm tới 40%, số ca mắc nhiễm mới.

Theo ông Lauterbach, chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày/100.000 dân ở Đức đã tăng lên so với một tuần trước cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ ba đã xảy ra ở Đức, trong bối cảnh lệnh phong tỏa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn còn chưa được dỡ bỏ. Ông khẳng định, Đức vẫn chưa ở giai đoạn trung tâm của làn sóng lây nhiễm thứ 3, song điều đó đã diễn ra và không thể ngăn cản.

Chuyên gia SPD cũng cho rằng do Đức đã sớm bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba, nên nhiều nơi khó có thể đạt được mục tiêu giảm số ca lây nhiễm xuống mức mục tiêu là 35 ca/100.000 dân trong 7 ngày để có thể dỡ bỏ được các biện pháp phong tỏa hiện nay. Ông kêu gọi cần hết sức thận trọng trong việc mở cửa trở lại, bởi nếu không thể đẩy lùi biến thể virus phát hiện ở Anh thì biến thể này sẽ nhanh chóng lây lan rộng khắp ở Đức, bất chấp thời tiết đã ấm hơn.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi Đức dỡ bỏ việc kiểm soát nghiêm ngặt biên giới giáp với bang Tyrol (Áo), CH Séc và Slovakia, nhấn mạnh rằng việc kiểm soát hiện nay là quá chặt chẽ.

Trong thư gửi Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss, EC nhấn mạnh nhiều quy định hiện được áp đặt một cách không phù hợp và bất công. Hiện nay chỉ có người Đức và người nước ngoài có giấy phép lưu trú ở Đức mới được phép nhập cảnh Đức từ CH Séc, Slovakia và phần lớn khu vực thuộc bang Tyrol của Áo, ngoại trừ các lái xe tải và những người phải đi làm qua biên giới có giấy xác nhận hợp lệ. EC hy vọng Đức sẽ sớm có phản hồi trong vòng 10 ngày làm việc. Về mặt lý thuyết, EC có thể khởi kiện Đức liên quan vụ việc này.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, việc đóng cửa biên giới là "có vấn đề," bởi điều này sẽ ngăn chặn việc tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ từ nước láng giềng. Ngoài Đức, EC cũng gửi bức thư tương tự tới đại sứ các nước Bỉ, Hungary, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan để kêu gọi các nước này mở cửa biên giới trở lại.

Tối 24/2, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo số ca lây nhiễm mới trong 24 giờ qua ở Đức là gần 10.000 ca và trên 400 ca tử vong. Hiện số ca còn mắc bệnh ở Đức là 121.300 ca trong tổng số 2,4 triệu ca nhiễm từ đầu dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục