Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 27/4, Chính phủ Đức và Ba Lan đã tiến hành cuộc họp tham vấn chính phủ hai nước lần thứ 13 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Chủ đề của cuộc tham vấn lần này là các vấn đề song phương và châu Âu, trong đó có tình hình Ukraine.
Sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp nước chủ nhà Ewa Kopacz, Thủ tướng hai nước đã chủ trì cuộc tham vấn với sự tham dự của hầu hết các bộ trưởng nội các hai bên, trong đó có Ủy viên phụ trách quan hệ Đức-Ba Lan, đồng thời là Thủ hiến bang Brandenburg Dietmar Woidke.
Tại cuộc tham vấn, hai bên đã thảo luận về biện pháp phòng lũ dọc sông Oder, con sông dài gần 900km ở Trung Âu đổ ra biển Baltic; hợp tác phòng không; chính sách năng lượng; đẩy mạnh trao đổi thanh niên giữa hai nước...
Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông, sẽ diễn ra ở thủ đô Riga của Latvia vào tháng 5 tới.
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc tham vấn, Thủ tướng Merkel cho biết Đức và Ba Lan mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, góp phần vào giải quyết các vấn đề nan giải ở châu Âu. Bà cũng cho biết, hai bên đã đạt được đồng thuận cao trong vấn đề bảo vệ khí hậu và ngân sách châu Âu.
Hai bên cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề kinh tế, khi kim ngạch song phương đã tăng 6 lần trong 10 năm qua. Đức và Ba Lan cũng nhất trí lập một nhóm làm việc để xử lý và thúc đẩy hợp tác song phương trong vấn đề năng lượng.
Thủ tướng hai nước cũng nhất trí cho rằng chưa thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời khẳng định mong muốn góp phần ổn định và phát triển ở Ukraine.
Trước khi kết thúc chuyến công du tại Ba Lan, Thủ tướng Merkel hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Bronislaw Komorowski.
Đức và Ba Lan ký Hiệp định Láng giếng tốt và Hợp tác hữu nghị năm 1991 tạo nền tảng và khuôn khổ cho đối thoại chính trị và các hợp tác giữa hai nước.
Việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1999, Liên minh châu Âu (EU) năm 2004 và Hiệp ước tự do đi lại Schengen năm 2007 đã giúp đưa quan hệ giữa Ba Lan và Đức lên một giai đoạn mới.
Hiện có khoảng 700.000 người Ba Lan ở Đức, nhóm người nhập cư lớn thứ hai ở nước này./.