Đụng độ tiếp diễn tại Sudan ngay khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng pháo hạng nặng trong vài phút sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực và xuất hiện các máy bay chiến đấu bay ở tầm thấp tại một số quận ở Khartoum.
Đụng độ tiếp diễn tại Sudan ngay khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực ảnh 1Một ngôi nhà bị trúng pháo kích sau giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) ở Khartoum ngày 6/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/6, đụng độ giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) tiếp tục xảy ra ở nhiều khu vực của thủ đô Khartoum, sau khi lệnh ngừng bắn 72 giờ do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian kết thúc vào lúc 6h cùng ngày theo giờ địa phương (11h theo giờ Việt Nam).

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng pháo hạng nặng trong vài phút sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực và xuất hiện các máy bay chiến đấu bay ở tầm thấp tại một số quận ở Khartoum. Đụng độ cũng xảy ra ở thành phố Omdurman phía Tây thủ đô Khartoum.

Trước đó, tối 20/6, khi thỏa thuận ngừng bắn chưa hết hiệu lực, hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại trụ sở của cơ quan tình báo ở thủ đô Khartoum.

[Lệnh ngừng bắn tại Sudan có hiệu lực: Thủ đô Khartoum tạm yên ổn]

Hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công trụ sở của cơ quan này, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới nhất.

Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế cũng cho rằng "lệnh ngừng bắn đã không được tôn trọng" khi có nhiều tiếng súng nổ khiến cơ quan này phải hủy bỏ việc vận chuyển những người bị thương.

Các bên trung gian hòa giải cảnh báo nếu lệnh ngừng bắn không được tuân thủ, họ có thể phải cân nhắc hoãn các cuộc đàm phán ở thành phố Jeddah của Saudi Arabia.

Cùng ngày, Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tại Sudan đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Farhan Haq, cho biết ước tính có gần 263.000 người đang mang thai trong số hơn 2,5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh nở ở Sudan.

Ông nhấn mạnh hơn 87.000 phụ nữ trong số này sẽ sinh con trong 3 tháng tới và cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.

Tuy nhiên, dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy hơn 67% số bệnh viện và cơ sở y tế tại các khu vực chiến sự đều phải đóng cửa, trong đó nhiều bệnh viện phụ sản đã ngừng hoạt động, khiến các sản phụ không được đảm bảo về chăm sóc y tế.

Ông Farhan Haq khẳng định cam kết viện trợ của Liên hợp quốc trong mọi điều kiện dù là khó khăn nhất, đồng thời một lần nữa kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh. Liên hợp quốc và WHO cũng đã nhiều lần hối thúc các bên giao tranh chấm dứt ngay việc tấn công vào các bệnh viện và cơ sở y tế, coi đây là hành vi vi phạm luật nhân đạo và quyền được chăm sóc sức khỏe của con người.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết trong 4 tuần qua, cơ quan này đã bố trí tổng cộng 438 xe tải chở khoảng 17.000 tấn hàng viện trợ đến các vùng khác nhau của Sudan. Trong 48 giờ đầu của lệnh ngừng bắn mới nhất, Liên hợp quốc đã triển khai 50 xe tải chở hàng hóa viện trợ.

Giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng Tư vừa qua, đến nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cũng như châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Tình hình nhân đạo tại Sudan hiện rất nghiêm trọng, khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartroum đã không còn nước sạch, chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ cũng thường xuyên bị cướp bóc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục