Việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 1/6 và khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm này chưa được giải ngân thì lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất thỏa thuận đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn trong dư luận cũng như người được vay vốn.
Hầu hết người vay gói vốn này để mua nhà là các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, mức lãi suất ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng được xem như cứu cánh giúp họ có thể sở hữu ngôi nhà của mình và cải thiện chỗ ở.
Mặc dù việc dừng giải ngân này đã nằm trong tính toán từ trước của Ngân hàng Nhà nước (được quy định trong Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước cũng như đã thể hiện trong hợp đồng vay vốn) và phù hợp với quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành nhưng vẫn khiến nhiều người dân bị “sốc.”
Anh Nguyễn Văn Trường, khách hàng mua nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ khi làm thủ tục vay vốn ưu đãi đã rất mừng nên hoàn toàn không chú ý đến các điều khoản quy định. Hơn nữa, việc tư vấn cũng chưa đầy đủ chứ nếu biết sẽ bị điều chỉnh theo lãi suất thương mại nếu chưa kịp giải ngân trước thời điểm 1/6/2016 thì gia đình sẽ phải cân nhắc lại. Hiện lãi suất vay thương mại dao động quanh mức 11-12%/năm sẽ là áp lực quá lớn đối với người dân.
Những khách hàng may mắn rơi vào các dự án có tiến độ nhanh thì được hưởng trọn vẹn ưu đãi lãi suất từ gói tín dụng này nhưng người rơi vào tình trạng phải lo lắng như anh Trường cũng không phải là số ít. Nếu biết lãi suất trôi nổi thế thì sẽ không mua nhà nữa, nhiều khách hàng bày tỏ.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng nếu phải hưởng lãi suất theo thỏa thuận, nhiều khách hàng mua nhà ở xã hội sẽ rơi vào tình cảnh một hợp đồng mà hai lãi suất.
Theo quy định, gói 30.000 tỷ đồng giải ngân theo tiến độ dự án. Điều này đồng nghĩa với việc dự án nào xong nhà thì người dân mới được hưởng 100% lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, trên thị trường, phần lớn các dự án thuộc diện được vay ưu đãi đều đang dở dang, chưa hoàn thiện nên nhiều khách hàng sẽ phải chịu cảnh một hợp đồng, hai lãi suất.
Ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco, đề xuất nên giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng này. Trước mắt, cơ quan có thẩm quyền có thể rà soát các căn hộ phù hợp để ưu tiên giải ngân hết dòng vốn. Các dự án chưa hoàn thành thì có thể tạm chờ gói hỗ trợ khác.
Trước tình thế này, nhiều khách hàng mua nhà đang kiến nghị chủ đầu tư ra thông báo đóng tiền trước thời điểm 1/6 dù dự án chưa hoàn thành để ngân hàng có thể giải ngân tiền và người dân đỡ thiệt thòi. Đây không chỉ là nguyện vọng của khách hàng mà ngay cả nhiều chủ đầu tư cũng mong muốn phía Ngân hàng Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh hợp lý để tránh người mua nhà phải chịu cảnh bị động.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách, hay xem xét để kéo dài thời gian giải ngân mà vẫn áp dụng mức lãi suất ưu đãi cũ giúp cả chủ đầu tư và người dân tham gia vay gói tín dụng này đảm bảo quyền lợi.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - nhận định người mua nhà ở xã hội có thể vẫn yên tâm vì nhà nước đã có cơ chế chính sách thay thế thì sẽ không còn trở ngại. Cơ quan chức năng cũng dự kiến kết thúc gói 30.000 tỷ đồng sẽ có các gói ưu đãi dành cho đối tượng mua nhà phân khúc này với cả chiến lược dài hạn.
Đáng lo ngại hiện nay chính là những người mua nhà ở thương mại giá rẻ - đối tượng cũng được vay vốn từ gói ưu đãi này. Họ sẽ phải chịu tác động lớn hơn. Phần vay còn lại chưa được giải ngân sẽ phải chuyển sang phương thức thương mại và việc chứng minh tài sản đảm bảo, mức thu nhập... là cả một gánh nặng lớn.
Nếu tiếp tục theo đuổi dự án, sẽ có những gia đình phải tìm đến nguồn vốn vay khác, thậm chí với lãi suất cao và sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy, ông Châu cảnh báo. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chuyển tiếp để xử lý vì khi cho vay là khách hàng đã đặt trọn niềm tin vào ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại cũng nên xem xét việc những trường hợp các dự án có bảo lãnh của ngân hàng thì có thể giải ngân hết.
Chủ đầu tư “bắt tay” ngân hàng cũng là dự báo được tính trước. Tại một số dự án, chủ đầu tư tính phương án mời khách hàng đến để cùng thỏa thuận với ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải ngân tiền vay nhiều nhất có thể trước hạn định 1/6 để vừa gỡ khó cho khách hàng mà cũng là giúp chính mình.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng ưng thuận. Mặc dù giải pháp này sẽ giúp họ giảm bớt áp lực tài chính nhưng lại bập vào mối lo khác. Một khách hàng bày tỏ lo lắng nếu chủ đầu tư nhận tiền trước nhưng không đảm bảo tiến độ và kéo dài thời gian thi công, chậm bàn giao nhà thì khi ấy bao nhiêu bất lợi đều dồn hết lên vai người mua nhà.
Với loại nhà ở hình thành trong tương lai thì người mua nhà cần phải suy tính thiệt hơn, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cảnh báo. Cái lợi trước mắt là người mua nhà sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cho các khoản giải ngân trước ngày 1/6. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư sử dụng dòng tiền này sai mục đích, kéo dài thời gian thi công, không đảm bảo chất lượng như cam kết thì chỉ duy nhất khách hàng chịu thiệt thòi.
Sau ba năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (hơn 98%); trong đó đã giải ngân gần 70%. Với tiến độ giải ngân như các tháng gần đây, dự kiến đến 1/6/2016 sẽ giải ngân được khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Hiện số tiền chưa giải ngân chỉ khoảng 15%. Do đó, Bộ Xây dựng cũng như các Hiệp hội Bất động sản đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng này để đảm bảo sự nhất quán và ổn định đối với chính sách hỗ trợ nhà ở./.