Mọi năm, vào những ngày cận Tết Trung thu, ở một số tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em ở Hà Nội (như Hàng Mã, Lương Văn Can) luôn chật kín người mua, kẻ bán. Nhưng trước thềm Trung thu năm nay, không khí ở đây lắng dịu hơn năm trước khá nhiều.
Đìu hiu đồ chơi truyền thống
Có cô con gái làm ăn ở phố Hàng Mã (Hà Nội) nên hễ tới Rằm Trung thu là bà Nguyễn Thị Kiềm (76 tuổi) ở Yên Mỹ, Hưng Yên lại khăn gói từ quê ra phố tranh thủ bán đồ chơi cho trẻ nhỏ. Mặt hàng bà Kiềm bán là những chiếc trống lắc (trống bé, có cán và dây buộc quả lắc, khi lắc phát ra tiếng kêu) và trống bỏi.
Đưa tay quệt vệt mồ hôi trên trán, bà Kiềm bảo rằng mọi năm bán hàng khá chạy, còn năm nay thì chán quá. Bày hàng từ hôm 2/8 (âm lịch) đến hôm nay đã là ngày 14, ngày bà Kiềm bán được nhiều nhất chính là Chủ nhật vừa rồi cũng chỉ bán được 600.000 đồng/ngày.
“Trung thu năm ngoái, trung bình mỗi ngày tôi đã bán được 500 – 600.000 đồng và ngày cao điểm lên tới hàng triệu đồng. Còn năm nay thì ế ẩm quá, trừ chi phí, có lẽ chỉ bỏ ra được 100 – 150.000 đồng/ngày là cùng,” bà Kiềm nói.
Bê hòm đồ nghề lên phố Hàng Mã từ hôm thứ Bảy (10/8 âm lịch), ông Nguyễn Phiên ở làng tò he Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) than bán khó quá. Những bông hoa, con thú, mâm cỗ trông trăng bằng bột gạo cứ phơi mình giữa tiết trời nắng “rám trái bưởi” mà chẳng mấy ai hỏi mua. Theo nhẩm tính của ông Phiên, số tiền thu được của một ngày bán hàng chỉ độ 300.000 đồng, bằng một nửa so với Trung thu 2009.
Ông Phiên bảo, do càng ngày mặt hàng đồ chơi này càng bán khó nên năm nay cả làng Xuân La chỉ có khoảng 10 người lên phố Hàng Mã làm ăn. So với năm trước, con số này chỉ bằng phân nửa. Thậm chí, có người còn vừa nặn tò he, vừa buôn một số mặt hàng đồ chơi của Trung Quốc bày bên cạnh để bán.
Ngày nào cũng đi xe máy 30km từ Xuân La lên Hàng Mã bán hàng, rồi lại đi về, ông Phiên bảo thu nhập trung bình một ngày chẳng đáng là bao. “Rẻ nhưng vẫn phải làm, vì nó không chỉ là bát cơm, manh áo mà còn là thứ nghề đặc sản của quê hương,” ông Phiên trải lòng.
Tò he, trống bỏi đã vậy, mặt hàng đèn ông sao, đèn cù cũng lẹt đẹt. Anh Phạm Minh Quang (Nam Định) cho hay, Trung thu năm nào cả gia đình anh gồm 5 người cũng loanh quanh các khu phố cổ bán đồ chơi. Mặt hàng ưa thích của cả nhà là đèn ông sao bởi đầu tư thấp. Năm nay, mặt hàng này bán khó hơn bởi giá thành cao lên, tính trung bình, mỗi ngày anh chỉ bỏ ra được 100.000 đồng.
Ít mẫu mã mới
Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, đồ chơi truyền thống “lẹt đẹt” đã vậy, các mặt hàng đồ chơi “hiện đại,” lượng bán cũng kém so với Trung thu năm trước và mẫu mã cũng chẳng có gì mới lạ.
Chỉ nhìn vào lượng người tham gia mua bán trên phố Hàng Mã, thời điểm chiều 14/8 (âm lịch) của hai năm đã thấy rõ việc này. Nếu như năm ngoái, ngày 14 những chiếc xe máy đi qua phố Hàng Mã phải đi theo kiểu “nhích từng cen-ti-mét” thì năm nay việc tắc đường chỉ xảy ra khi có hai chiếc ô tô tránh nhau.
Bà Vũ Thị Vân (49 tuổi), bán đồ chơi “thời vụ Trung thu” đã được 5 năm tại đây cho hay, chưa năm nào hàng ế như năm nay. “Mọi năm bán 10, năm nay chỉ bán được 5 thôi,” bà nói.
Những người bán hàng thời vụ như bà Vân, nếu không bán được hàng là những mặt đồ chơi đựng trong “vỉ” (như vỉ robot, ôtô, súng...) bà có thể trả lại đại lý, chấp nhận lỗ 2.000 đồng/vỉ. Còn những sản phẩm khác như mặt nạ, bộ đồ nấu ăn bán rời thì phải chấp nhận... cất đi để sang năm bán tiếp. Chỉ tay vào đống mặt nạ ảo thuật, bà cho hay bày hàng được tám ngày mà vẫn chưa bán được cái nào.
Tại phố Lương Văn Can, một chủ cửa hàng nằm bên quán cafe số 34 buồn bã cho biết, năm nay số lượng khách hàng mua đồ chơi cho trẻ em dịp Trung thu giảm đến 60% so với 2009. “Có vẻ như trẻ con bây giờ lúc nào cũng sẵn đồ chơi, nên việc mua đồ chơi cho trẻ dịp Trung thu không mấy ông bố, bà mẹ để ý nữa,” chị nói.
Chị Nguyễn Thị Phương bán hàng ở phố Hàng Mã bổ sung, một trong những nguyên nhân sức mua giảm chính là các mặt hàng năm nay không có nhiều mẫu mã mới. Ngoài mũ tai thỏ, những quả bóng đập, cây gậy phát sáng được cho là mới ra, thì hầu hết toàn mặt hàng của năm trước.
“Khi có mặt hàng đồ chơi mới, lạ, thì không chỉ các bậc phụ huynh mua cho con em mình, mà thanh thiếu niên cũng mua để đi chơi Trung thu. Song, lượng khách là thanh niên năm nay giảm hẳn. Tối qua (13/8 âm lịch), ở phố này đường đi cũng bị ùn ứ, nhưng chỉ là do khách đến... xem là chính,” chị Linh nói.
Theo kinh nghiệm của những người bán hàng đồ chơi thời vụ, đợt bán hàng Trung thu 2010 sẽ kết thúc vào tối nay (14/8 âm lịch). Đến ngày Rằm, chỉ có lác đác người mua mà thôi./.
Đìu hiu đồ chơi truyền thống
Có cô con gái làm ăn ở phố Hàng Mã (Hà Nội) nên hễ tới Rằm Trung thu là bà Nguyễn Thị Kiềm (76 tuổi) ở Yên Mỹ, Hưng Yên lại khăn gói từ quê ra phố tranh thủ bán đồ chơi cho trẻ nhỏ. Mặt hàng bà Kiềm bán là những chiếc trống lắc (trống bé, có cán và dây buộc quả lắc, khi lắc phát ra tiếng kêu) và trống bỏi.
Đưa tay quệt vệt mồ hôi trên trán, bà Kiềm bảo rằng mọi năm bán hàng khá chạy, còn năm nay thì chán quá. Bày hàng từ hôm 2/8 (âm lịch) đến hôm nay đã là ngày 14, ngày bà Kiềm bán được nhiều nhất chính là Chủ nhật vừa rồi cũng chỉ bán được 600.000 đồng/ngày.
“Trung thu năm ngoái, trung bình mỗi ngày tôi đã bán được 500 – 600.000 đồng và ngày cao điểm lên tới hàng triệu đồng. Còn năm nay thì ế ẩm quá, trừ chi phí, có lẽ chỉ bỏ ra được 100 – 150.000 đồng/ngày là cùng,” bà Kiềm nói.
Bê hòm đồ nghề lên phố Hàng Mã từ hôm thứ Bảy (10/8 âm lịch), ông Nguyễn Phiên ở làng tò he Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) than bán khó quá. Những bông hoa, con thú, mâm cỗ trông trăng bằng bột gạo cứ phơi mình giữa tiết trời nắng “rám trái bưởi” mà chẳng mấy ai hỏi mua. Theo nhẩm tính của ông Phiên, số tiền thu được của một ngày bán hàng chỉ độ 300.000 đồng, bằng một nửa so với Trung thu 2009.
Ông Phiên bảo, do càng ngày mặt hàng đồ chơi này càng bán khó nên năm nay cả làng Xuân La chỉ có khoảng 10 người lên phố Hàng Mã làm ăn. So với năm trước, con số này chỉ bằng phân nửa. Thậm chí, có người còn vừa nặn tò he, vừa buôn một số mặt hàng đồ chơi của Trung Quốc bày bên cạnh để bán.
Ngày nào cũng đi xe máy 30km từ Xuân La lên Hàng Mã bán hàng, rồi lại đi về, ông Phiên bảo thu nhập trung bình một ngày chẳng đáng là bao. “Rẻ nhưng vẫn phải làm, vì nó không chỉ là bát cơm, manh áo mà còn là thứ nghề đặc sản của quê hương,” ông Phiên trải lòng.
Tò he, trống bỏi đã vậy, mặt hàng đèn ông sao, đèn cù cũng lẹt đẹt. Anh Phạm Minh Quang (Nam Định) cho hay, Trung thu năm nào cả gia đình anh gồm 5 người cũng loanh quanh các khu phố cổ bán đồ chơi. Mặt hàng ưa thích của cả nhà là đèn ông sao bởi đầu tư thấp. Năm nay, mặt hàng này bán khó hơn bởi giá thành cao lên, tính trung bình, mỗi ngày anh chỉ bỏ ra được 100.000 đồng.
Ít mẫu mã mới
Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, đồ chơi truyền thống “lẹt đẹt” đã vậy, các mặt hàng đồ chơi “hiện đại,” lượng bán cũng kém so với Trung thu năm trước và mẫu mã cũng chẳng có gì mới lạ.
Chỉ nhìn vào lượng người tham gia mua bán trên phố Hàng Mã, thời điểm chiều 14/8 (âm lịch) của hai năm đã thấy rõ việc này. Nếu như năm ngoái, ngày 14 những chiếc xe máy đi qua phố Hàng Mã phải đi theo kiểu “nhích từng cen-ti-mét” thì năm nay việc tắc đường chỉ xảy ra khi có hai chiếc ô tô tránh nhau.
Bà Vũ Thị Vân (49 tuổi), bán đồ chơi “thời vụ Trung thu” đã được 5 năm tại đây cho hay, chưa năm nào hàng ế như năm nay. “Mọi năm bán 10, năm nay chỉ bán được 5 thôi,” bà nói.
Những người bán hàng thời vụ như bà Vân, nếu không bán được hàng là những mặt đồ chơi đựng trong “vỉ” (như vỉ robot, ôtô, súng...) bà có thể trả lại đại lý, chấp nhận lỗ 2.000 đồng/vỉ. Còn những sản phẩm khác như mặt nạ, bộ đồ nấu ăn bán rời thì phải chấp nhận... cất đi để sang năm bán tiếp. Chỉ tay vào đống mặt nạ ảo thuật, bà cho hay bày hàng được tám ngày mà vẫn chưa bán được cái nào.
Tại phố Lương Văn Can, một chủ cửa hàng nằm bên quán cafe số 34 buồn bã cho biết, năm nay số lượng khách hàng mua đồ chơi cho trẻ em dịp Trung thu giảm đến 60% so với 2009. “Có vẻ như trẻ con bây giờ lúc nào cũng sẵn đồ chơi, nên việc mua đồ chơi cho trẻ dịp Trung thu không mấy ông bố, bà mẹ để ý nữa,” chị nói.
Chị Nguyễn Thị Phương bán hàng ở phố Hàng Mã bổ sung, một trong những nguyên nhân sức mua giảm chính là các mặt hàng năm nay không có nhiều mẫu mã mới. Ngoài mũ tai thỏ, những quả bóng đập, cây gậy phát sáng được cho là mới ra, thì hầu hết toàn mặt hàng của năm trước.
“Khi có mặt hàng đồ chơi mới, lạ, thì không chỉ các bậc phụ huynh mua cho con em mình, mà thanh thiếu niên cũng mua để đi chơi Trung thu. Song, lượng khách là thanh niên năm nay giảm hẳn. Tối qua (13/8 âm lịch), ở phố này đường đi cũng bị ùn ứ, nhưng chỉ là do khách đến... xem là chính,” chị Linh nói.
Theo kinh nghiệm của những người bán hàng đồ chơi thời vụ, đợt bán hàng Trung thu 2010 sẽ kết thúc vào tối nay (14/8 âm lịch). Đến ngày Rằm, chỉ có lác đác người mua mà thôi./.
Trung Hiền (Vietnam+)