Ngày 9/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cảnh báo sẽ khởi kiện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không chấp nhận kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư và từ chối tiếp nhận người di cư.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Spiegel (Tấm gương) của Đức, Chủ tịch Juncker cho biết tuần tới, EC sẽ quyết định liệu có đưa ra hành động pháp lý đối với các nước EU vi phạm thỏa thuận về phân bổ người di cư hay không. Theo ông, bước đi cứng rắn này nhằm làm rõ rằng các biện pháp được đưa ra là các quy định có thể áp dụng được, ngay cả khi bị một quốc gia bỏ phiếu chống.
[Slovakia và Hungary từ chối hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn]
Cho đến nay, EU vẫn đang nỗ lực để thực thi thỏa thuận phân bổ tới các nước thành viên 160.000 người xin tị nạn, chủ yếu là đến từ các nước có xung đột vũ trang ở Trung Đông và Bắc Phi như Syria, Iraq và Eritrea. Những người này đang tạm trú ở Italy và Hy Lạp và kế hoạch tái phân bổ trên nhằm hỗ trợ hai nước tuyến đầu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng người di cư.
Tuy nhiên, các quốc gia Đông Âu gồm Hungary, Ba Lan và Slovakia kiên quyết phản đối kế hoạch này, trong khi nhiều quốc gia EU khác tỏ ý chần chừ.
EU đã cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu các nước thành viên không hoàn tất việc phân bổ và bố trí nơi ăn ở cho người tị nạn trước thời hạn chót vào tháng 6/2017.
Từ năm 2014 đến nay, khoảng 1,6 triệu người di cư và tị nạn đã vượt Địa Trung Hải để vào EU. Theo báo cáo mới đây của EC, các nước trong liên minh đã tái bố trí cho 16.300 người xin tị nạn đến Italy và Hy Lạp tính từ cuối năm 2015, chỉ bằng 10% kế hoạch dự kiến tái phân bổ người di cư của châu Âu.
Ủy ban đã nhiều lần cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những nước không tôn trọng nghĩa vụ mà họ phải thực hiện./.