EC dự báo triển vọng phục hồi của kinh tế khu vực

EC dự báo triển vọng phục hồi dần của kinh tế khu vực

Theo EC, đà tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn trong bối cảnh lòng tin kinh doanh gia tăng, còn tình trạng bất ổn liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ sẽ giảm.
EC dự báo triển vọng phục hồi dần của kinh tế khu vực ảnh 1Tổng giám đốc phụ trách mảng kinh tế của EC, Marco Buti. (Nguồn: ec.europa.eu)
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/5 đã điều chỉnh các dự báo về kinh tế Liên minh châu Âu (EU) cũng như Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), nhưng không thay đổi triển vọng về sự phục hồi dần sau giai đoạn suy thoái kéo dài kỷ lục.
Các nhà kinh tế thuộc EC cho rằng đà tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn trong bối cảnh lòng tin kinh doanh gia tăng, còn tình trạng bất ổn liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ sẽ giảm, và ngay cả các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khối cũng sẽ dần phục hồi.
Theo EC, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ đạt 1,2% trong năm 2014 và 1,7% trong năm 2015, sau hai năm sụt giảm liên tiếp.
Nhịp độ tăng trưởng khiêm tốn sẽ giúp tỷ lệ thất nghiệp trong liên minh tiền tệ với 18 quốc gia thành viên này giảm từ 12% năm 2013 xuống 11,8% trong năm 2014 và 11,4% trong năm 2015.
Trong khi đó, tăng trưởng trong EU - được thúc đẩy nhờ động lực mạnh mẽ ở nước Anh - sẽ là 1,6% trong năm nay và 2% trong năm tới.

EC cũng dự báo tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên GDP sẽ tiếp tục giảm ở cả Eurozone và EU, xuống các mức trung bình tương ứng là 2,5% và 2,3%, và 2,6% và 2,5%, đều thấp hơn so với mức trần 3% GDP theo quy định của EU.
Tuy nhiên, EC đã điều chỉnh giảm dự báo lạm phát trong Eurozone xuống 0,8% trong năm nay và 1,2% trong năm tới, so với các dự báo 1% và 1,3% được đưa ra hồi tháng Hai, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Tổng giám đốc phụ trách mảng kinh tế của EC, Marco Buti, đã cảnh báo rằng mức lạm phát rất thấp gây khó khăn hơn cho các nước dễ bị tổn thương trong Eurozone để cải thiện khả năng cạnh tranh và giảm nợ bởi lạm phát thấp có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP, khi làm tăng thu nhập khả dụng trên thực tế trong ngắn hạn, song thời kỳ lạm phát rất thấp kéo dài lại khiến giá trị thực sự của cả nợ công và nợ tư cao hơn, từ đó có thể làm tăng lãi suất thực.
Những dự báo trên của EC được đưa ra trên cơ sở giả định rằng các biện pháp chính sách mà các nước đã cam kết sẽ được thực thi nhằm ổn định tài chính công và mở cửa nền kinh tế.
EC một lần nữa nhắc lại rằng tất cả các nước thành viên cần tiến hành các cải cách và các biện pháp đã nhất trí, cho rằng điều này là quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế sẽ được duy trì./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục