IMF đưa ra khuyến nghị mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á

IMF nhận thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá mạnh, nên đã đưa ra dự đoán về mức tăng trưởng khá của nước này trong 2 năm tới.

Người dân mua hàng tại siêu thị Grand Lucky, Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)
Người dân mua hàng tại siêu thị Grand Lucky, Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng về các dự báo kinh tế của Indonesia trong giai đoạn chính phủ chuyển tiếp từ Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) sang Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto.

Giám đốc IMF châu Á và Thái Bình Dương, Krishna Srinivasan cho biết IMF chú trọng nhiều hơn vào tính liên tục của chính sách. Ông cũng đưa ra những lưu ý về việc tăng chi ngân sách và các bước tăng thu ngân sách.

“Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, chúng ta phải xem xét chi tiết các kế hoạch tài chính của Indonesia trong chính phủ tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Tổng thống mới Prabowo Subianto,” ông nói trong cuộc họp báo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF ngày 30/4.

Nhìn chung, ông thấy rằng có sự liên tục trong cải cách chính sách giữa thời kỳ của hai ông Jokowi và Prabowo, thể hiện ở cách Indonesia đã đạt được những tiến bộ được coi là tốt cho đến nay. Điều này được phản ánh qua nền tảng kinh tế vững mạnh của Indonesia.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF, Thomas Heflin, cho rằng Chính phủ Indonesia phải đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và giáo dục cũng như khuyến khích cải cách quản trị.

IMF giữ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Indonesia ở mức 5% và năm 2025 tăng lên 5,1%. Ngoài giáo dục và cơ sở hạ tầng, ông Heflin cho rằng một cải cách quan trọng khác là cải cách thu ngân sách nhà nước.

Indonesia có tỷ lệ thuế thấp 10% so với nhu cầu chi tiêu cơ cấu cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và mạng lưới an sinh xã hội. Vì vậy, cải cách doanh thu là rất quan trọng đối với chính phủ mới.

Mặt khác, IMF nhận thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá mạnh, nên đã đưa ra dự đoán về mức tăng trưởng khá của nước này trong 2 năm tới.

Các nguyên tắc cơ bản vĩ mô của Indonesia, bao gồm cả thâm hụt tài chính, cũng nằm dưới giới hạn trên. Lạm phát cũng được coi là nằm trong phạm vi mục tiêu.

Ông Heflin cho rằng 5% là tốc độ tăng trưởng rất mạnh và Indonesia đã hoạt động tốt, tăng trưởng rất gần với tiềm năng trong hơn một thập kỷ qua.

Ông nhấn mạnh: “Từ lâu, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Indonesia có tiềm năng tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là với các chính sách cơ cấu phù hợp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục