EC giữ nguyên kế hoạch hành động về người di cư tại Địa Trung Hải

Ủy ban châu Âu cho biết họ đang nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động nhằm giải quyết các thách thức đang diễn ra dọc theo tuyến đường di cư đông đúc và nguy hiểm nhất ở khu vực Địa Trung Hải.
EC giữ nguyên kế hoạch hành động về người di cư tại Địa Trung Hải ảnh 1Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Italy (trái) giải cứu những người di cư trên Địa Trung Hải ngày 10/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/4, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố trước việc số lượng người di cư và tị nạn tới châu Âu bằng đường biển ngày càng tăng trong những tuần gần đây, EC không có kế hoạch thay đổi kế hoạch hành động của mình cho khu vực Trung Địa Trung Hải.

EC đang làm mọi việc để thực hiện kế hoạch mà Ủy ban này đã trình bày vào tháng 11/2022 nhằm giải quyết các thách thức trước mắt và đang diễn ra dọc theo tuyến đường di cư đông đúc và nguy hiểm nhất của khu vực Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, EC triển khai những bước đi cần thiết để Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn có thể được thông qua vào năm 2024.

Trước đó, ngày 11/4, Nội các Italy ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng về vấn đề nhập cư nhằm quản lý tốt hơn lượng người di cư đến nước này và các cơ sở hồi hương.

Trước quyết định của của Italy, ngày 12/4, Ủy ban châu Âu đã cho biết họ đã lưu ý về quyết định này cũng như liên hệ với chính quyền thủ tướng Meloni, đồng thời nhận định đây là một quyết định mang tính quốc gia, xuất phát từ một tình huống khó khăn do số lượng người di cư gia tăng đột biến.

EC khẳng định đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ Rome và Italy nằm trong số những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ quỹ di cư và hội nhập.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, giai đoạn từ tháng 1-3 năm nay là quý có số người di cư thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải cao nhất kể từ năm 2017.

[Italy nỗ lực giải cứu hàng nghìn người trên Địa Trung Hải]

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong giai đoạn trên, 441 người di cư thiệt mạng khi tìm đường tới châu Âu nhưng cũng không loại trừ khả năng con số này vẫn thấp hơn thực tế.

IOM cho rằng việc các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ của các nước bị gián đoạn là một yếu tố dẫn tới một số vụ sự cố nghiêm trọng.

Giám đốc IOM Antonio Vitorino nhận định cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn trong thời gian dài ở Địa Trung Hải là điều không thể chấp nhận.

Hơn 20.000 người đã thiệt mạng trên tuyến đường di cư này kể từ năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục