ECB chia rẽ về cách thức đối phó khi đồng euro tăng giá

Hiện đang có ba luồng quan điểm trong Hội đồng điều hành ECB về việc đối phó với hiện tượng tăng giá của đồng euro.

Do Mỹ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng khiến đồng bạc xanh yếu đi, đồng euro đã tăng giá lên mức cao nhất trong hai năm, làm phức tạp các quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và gây tranh cãi trong Hội đồng điều hành ECB về cách thức đối phó. 

Khi các thị trường đang đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hoãn quyết định rút chương trình kích thích kinh tế cho đến năm tới, đồng euro đã tăng giá mạnh lên mức cao chưa từng kể từ tháng 11/2011 và tăng gần 7% trong 3 tháng qua, ở mức khoảng 1,38 USD.

 

Các nhà hoạch định chính sách ECB lo ngại việc đồng euro tăng giá sẽ làm cho lạm phát vốn đã thấp sẽ còn giảm thêm nữa và đà phục hồi mới bắt đầu của kinh tế khu vực sẽ không được giữ vững. 

Chỉ ở mức 1,1%, con số lạm phát hiện nay là thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra và việc đồng tiền chung gia tăng giá trị có thể làm giảm sức ép lên giá cả hơn nữa. Trong khi đó, euro tăng giá cũng bắt đầu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn.

Hiện đang có ba luồng quan điểm trong Hội đồng điều hành ECB về việc đối phó với hiện tượng tăng giá của đồng euro. Thứ nhất là để ngỏ khả năng tiến hành một đợt tái cấp vốn dài hạn (LTRO), thứ hai là cắt giảm lãi suất và thứ ba là không hành động để tùy thuộc vào diễn biến chính sách tại Mỹ.

Một nhà hoạch định chính sách của ECB cho rằng LTRO chưa chắc đã thành công khi thanh khoản không phải là vấn đề của nhiều ngân hàng. Trong khi đó, một nhà hoạch định chính sách khác cho rằng việc cắt giảm lãi suất là có khả năng hơn, song sẽ không sớm xảy ra.

ECB đã giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục 0,5% tháng thứ 4 liên tiếp, kể từ ngày 2/5, nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế lan rộng ở châu Âu. Chủ tịch ECB Mario Draghi cảnh báo rằng ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát các thị trường tiền tệ và sẽ "sẵn sàng hành động."

Trong khi đó, vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, ECB đã tiến hành LTRO, bơm hơn 1.000 tỷ euro vào hệ thống tài chính và vẫn đang theo dõi tác động đến thị trường của đợt LTRO này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục