Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 18/4 kêu gọi Hy Lạp “khẩn trương” đưa ra dự thảo ngân sách và kế hoạch xử lý nợ cụ thể để các chủ nợ xem xét, trong bối cảnh đồn đoán một lần nữa dấy lên về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Tại Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington, Tổng Giám đốc IMF Christina Lagarde và Chủ tịch ECB Mario Draghi đều nói rằng Hy Lạp chưa đưa ra đủ thông tin về những tác động đối với tình hình tài chính mà đề xuất cải cách kinh tế của chính phủ nước này có thể gây ra.
Ngày 16/4, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici khẳng định đàm phán về việc hỗ trợ tài chính mới cho Hy Lạp vẫn đang tiếp tục, trên cơ sở quốc gia này vẫn là thành viên khu vực đồng tiền chung. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng những tiến bộ của đàm phán diễn ra “quá chậm chạp.”
Đồn đoán một lần nữa dấy lên về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro, sau khi bà Lagarde cho biết IMF không đồng ý cho Athens trì hoãn việc trả khoản nợ 2,5 tỷ euro đáo hạn vào tháng 5/2015.
Các quan chức hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tuần tới, khi các bộ trưởng tài chính 19 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro nhóm họp vào ngày 24/4 tại Riga, Latvia.
Nếu Athens không đàm phán thành công với các chủ nợ để nhận được số tiền 7,2 tỷ euro (7,6 tỷ USD) còn lại của gói cứu trợ từ năm 2010, nước này có thể vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble trong bài phát biểu ngày 16/4 tại Viện Brooking ở Washington (Mỹ) khẳng định những giải pháp cứu trợ cho Hy Lạp chỉ có được khi nước gặp khủng hoảng này có những nỗ lực tương xứng.
Tổng số tiền cứu trợ quốc tế cho Hy Lạp đến nay đã lên tới 240 tỷ euro. Hồi đầu tháng Tư này, Athens đã phải nhờ vào các khoản tiền của các quỹ hưu trí để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho IMF và tránh nguy cơ vỡ nợ./.