Ecuador và Mỹ tiến hành thảo luận về vụ Snowden

Tổng thống Ecuador Rafael Correa và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc điện đàm về việc cấp quy chế tị nạn cho Snowden.
Nhằm gây áp lực với Chính phủ Ecuador, ngày 29/6, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ecuador Rafael Correa đề nghị không cho phép cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tị nạn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết trong cuộc đàm thoại "thân mật" với Phó Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Rafael Correa cam kết sẽ tôn trọng ý kiến của Washington khi xem xét đề nghị xin tị nạn của ông Snowden.

Tuy nhiên, Tổng thống Côria cho biết Ecuador không thể bắt đầu tiến trình xem xét đơn xin tị nạn này cho tới khi cựu nhân viên CIA đang bị Mỹ truy nã có mặt trên lãnh thổ hoặc một trong những Đại sứ quán của Ecuador ở nước ngoài.

[Hong Kong đã làm bộ phim đầu tiên về "vụ Snowden"]


Tổng thống Côria cho biết thêm, trong cuộc đàm thoại, ông đã nhắc lại với ông Biden về đề nghị của Ecuador yêu cầu Mỹ dẫn độ hai công dân Ecuador chạy trốn sang Mỹ năm 2003 sau vụ tham nhũng làm sụp đổ Ngân hàng Filanbanco. Mỹ đã từng từ chối yêu cầu dẫn độ này.

Cũng trong cuộc điện đàm, Tổng thống Ecuador hoan nghênh thái độ "có tính hợp tác đúng mực" của Phó Tổng thống Biden, trái ngược với những phát biểu của một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ dọa cắt đứt các mối quan hệ buôn bán với Ecuador nếu quốc gia Nam Mỹ này cho phép ông Snowden tị nạn chính trị.

Một quan chức Nhà Trắng tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du châu Phi đã xác nhận về cuộc đàm thoại này giữa Phó Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ecuador.

Vụ Snowden không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ của Mỹ với hai nước Nga và Trung Quốc mà còn tác động cả tới mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu.

Tạp chí Der Spiegel của Đức số ra ngày 29/6 trích dẫn các tài liệu do ông Snowden tiết lộ, cho biết các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ không chỉ đã "cài rệp" tại các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) mà còn đột nhập vào hệ thống máy tính nội bộ của của EU để thu thập tin tức tình báo. Văn phòng đại diện của EU tại Liên hợp quốc ở New York cũng bị cài các thiết bị tương tự.

Vụ cựu nhân viên CIA bỏ chạy sang Hong Kong (Trung Quốc) và quá cảnh Mátxcơva đã trở thành tâm điểm của báo chí thế giới thời gian qua. Phát biểu khi bắt đầu chuyến công du tại Senegal, ông Obama tuyên bố ông sẽ không khởi động thương lượng với Trung Quốc và Nga để đạt được yêu cầu dẫn độ Snowden, người đã bị Nhà Trắng phát lệnh truy nã về tội "ăn cắp tài sản quốc gia và tiết lộ những thông tin gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Mỹ."

Ông Obama cho biết sẽ sử dụng tất cả các kênh pháp lý chính thức để bắt giữ và dẫn giải Snowden về Mỹ xét xử. Ông Obama nói rằng ông chưa hề gọi điện đàm thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề trên, và rằng "tôi không cần phải làm như vậy”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục