EU, Anh vẫn còn nhiều bất đồng trong đàm phán thương mại

Những bất đồng về trợ cấp doanh nghiệp, nghề cá và cách giải quyết tranh chấp đã “phủ bóng đen” lên các cuộc đàm phán giữa EU và Anh về thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
EU, Anh vẫn còn nhiều bất đồng trong đàm phán thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới chức châu Âu ngày 1/10 cho hay các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã không thể thu hẹp khoảng cách trong vấn đề viện trợ chính phủ, một yếu tố đang cản trở hai bên đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

Vòng đàm phán trong tuần này là vòng đàm phán thứ 9 và cũng là vòng cuối cùng được lên kế hoạch thực hiện cho đến nay. Sau đây các nhà lãnh đạo EU sẽ đánh giá lại tiến độ đàm phán tại hội nghị diễn ra trong hai ngày 15-16/10. 

Theo giới quan sát, những bất đồng về trợ cấp doanh nghiệp, nghề cá và cách giải quyết tranh chấp đã “phủ bóng đen” lên các cuộc đàm phán giữa EU và Anh về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong khi đó, một đạo luật mới được đề xuất của Anh, được cho là sẽ làm suy yếu thỏa thuận “ly hôn” trước đó với, EU đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới trong các cuộc đàm phán trong tháng 9/2020.

Ủy ban châu Âu, bên thay mặt cho tất cả thành viên của EU để đàm phán với Anh, muốn London đồng ý với các quy tắc viện trợ chính phủ tương thích với các quy tắc mà EU hiện có. EU cũng muốn Anh có một cơ quan quản lý độc lập chuyên quyết định về vấn đề viện trợ của chính phủ. Ngoài ra, EU muốn xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp mới qua đó thành lập một Ủy ban chung và một Ban trọng tài để phân xử.

[Hạ viện Anh thông qua Dự luật thị trường nội địa hậu Brexit]

Tuy nhiên, một nhà ngoại gia EU tiết lộ vấn đề mấu chốt là Anh không muốn đi theo hướng trên. Giới chức London muốn lựa chọn những thủ tục “nhẹ nhàng” hơn cho các thỏa thuận thương mại tự do và Brussels sẽ không còn có tiếng nói gián tiếp trong các chính sách về trợ cấp doanh nghiệp của Anh.

Với quỹ thời gian đang thu hẹp dần, EU và Anh đang đối mặt với ngày càng nhiều áp lực để đi đến ký kết một thỏa thuận hậu Brexit, nhằm tránh rủi ro cho hoạt động thương mại song phương trị giá hàng nghìn tỷ euro mỗi năm.

EU cho biết phải có một thỏa thuận vào đầu tháng 11/2020 để Nghị viện châu Âu (EP) và một số nghị viện thuộc các quốc gia thành viên có đủ thời gian để phê chuẩn, trước khi quá trình chuyển đổi hậu Brexit kết thúc vào cuối năm nay.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết trong hai tuần qua, EU đã lạc quan hơn về việc Thủ tướng Boris Johnson đang tìm kiếm một thỏa thuận, bất chấp những tranh cãi pháp lý mới khiến nguy cơ Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho hay EU sẽ cương quyết không phê chuẩn hoặc thực hiện bất kỳ thỏa thuận mới nào với Anh chừng nào London không tôn trọng hiệp ước “ly hôn” ký hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier khẳng định, thỏa thuận Brexit đạt được hồi năm ngoái luôn là ưu tiên hàng đầu đối với EU. Về phía London, Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove tuyên bố nước này có những ranh giới không thể vượt qua trong đàm phán với EU, song ông vẫn kỳ vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục