EU chồng chất khó khăn, bộ đôi Macron-Merkel liệu có đủ sức vực lại?

Liên minh châu Âu (EU) - vốn hành xử không khéo léo với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin - đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
EU chồng chất khó khăn, bộ đôi Macron-Merkel liệu có đủ sức vực lại? ảnh 1Sản phẩm thép cuộn tại một nhà máy ở Salzgitter, Đức. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trong một bài viết trên báo Le Monde (Pháp), chuyên gia về địa chiến lược François Géré đánh giá Liên minh châu Âu (EU) - vốn hành xử không khéo léo với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin - đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Và những người đứng đầu EU phải chịu trách nhiệm về tình trạng này.

Chưa bao giờ kể từ khi thành lập, EU lại trở thành mục tiêu tấn công tổng thể và thô bạo đến như vậy. Thậm chí, sự tồn tại của EU cũng đang bị đặt dấu hỏi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra 4 mặt trận khó khăn cho châu Âu: Iran, thương mại, quốc phòng và chính sách nhập cư của các quốc gia thành viên EU.

Phớt lờ lời kêu gọi của châu Âu, ngày 8/5, Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - được ký hồi tháng 7/2015 tại Vienna (Áo).

Sự rút lui của Mỹ lập tức kéo theo sự xuất hiện trở lại của các lệnh cấm vận do Washington áp đặt đối với Tehran, cùng với đó là mối đe dọa về các lệnh trừng phạt tiếp theo mạnh hơn vào tháng 11 tới nhằm vào các nước vẫn cố tình đầu tư vào Iran.

Trước tình hình này, EU cũng đã hành động. Ngoài việc viện tới cái gọi là luật "cơ chế phong tỏa" năm 1996, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp làm ăn tại Iran.

Dự định thành lập một công ty kiểu như mô hình bảo hiểm của Pháp về ngoại thương (Coface) để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME) đầu tư ở Iran cũng đã được nêu ra.

Tuy nhiên, không biện pháp nào được EU đưa ra có thể có hiệu lực trong vòng 1 năm tới.

Đây là lý do tại sao nhiều công ty châu Âu "tháo chạy" khỏi Iran. Các quốc gia châu Âu không có khả năng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran ở dạng nguyên gốc của nó.

Cuộc chiến thương mại đã chính thức được tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ngày 8-9/6 vừa qua.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá điều đó là vô lý. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang lo ngại về sự suy thoái của kinh tế thế giới từ nay đến 2020.

[EU đang phải đối mặt với những thách thức khốc liệt]

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ dường như không hề đếm xỉa đến những cảnh báo này. Trong trường hợp này, Anh là đối tượng bị ảnh hưởng vô cùng lớn.

Trước khi đắc cử, Trump hoan nghênh Brexit và bày tỏ sự ủng hộ đối với đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) của lãnh đạo dân túy Nigel Farrage.

Tổng thống Mỹ đe dọa Thủ tướng Anh Therea May là sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh nếu bà không dàn xếp một cuộc chia tay "cứng" với EU, gọi là Brexit "cứng."

Xét đến các điều khoản đặc biệt liên kết hai nước, nhất là trong chuyển nhượng công nghệ, có thể thấy việc mặc cả này sẽ rất đắt giá.

Về quốc phòng, trước Hội nghị thượng đỉnh Các tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 11-12/7, Tổng thống Mỹ đã đặt câu hỏi về chủ quyền của Đức khi chỉ ra sự phụ thuộc vào năng lượng vào Nga.

Mỹ cũng đang từ chối tài trợ tài chính để đảm bảo an ninh cho châu Âu và yêu cầu lục địa già phải chi tiêu nhiều hơn để mua vũ khí của Mỹ. Nước Mỹ muốn chấm dứt hoàn toàn những ưu ái của họ cho châu Âu.

Cuối cùng, chính quyền Donald Trump - lợi dụng sự bất hòa tại châu Âu về vấn đề người nhập cư - đã tìm cách làm tan rã các đảng truyền thống và làm nảy sinh nhiều xu hướng hỗn tạp.

Các đại sứ của Mỹ mới được bổ nhiệm đã công khai ủng hộ việc thành lập các đảng dân túy cực hữu tại Italy, Đức, Anh và tại Trung cũng như Đông Âu.

Trong cuộc tấn công này, ông Trump không phải là kẻ đơn độc. Tất cả diễn ra như thể tất cả các siêu cường khác cùng đồng thời xoáy vào các yếu tố có thể làm tan rã châu Âu.

Cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/7 tại Helsinki giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Putin được cho là dấu hiệu về một sự thông đồng.

Có ý kiến cho rằng Nga đã tìm thấy cơ hội làm suy yếu đối thủ cạnh tranh về kinh tế và đối lập về chính trị. Tổng thống Nga Putin hoàn toàn có thể khởi động lại dự án lớn của mình là không gian Á-Âu.

Hơn nữa, ông cũng nhân dịp này "trả thù" việc EU áp đặt lệnh trừng phạt chống Kremlin từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ chính phủ Kiev chống phe nổi dậy tại Donbass.

Trung Quốc có vẻ cũng rút ra được bài học từ sự suy yếu của châu Âu. Quốc gia châu Á này đã bày tỏ mong muốn thấy một châu Âu siêu cường để tạo thuận lợi cho một thế giới đa cực làm đối trọng đối với Mỹ.

Nhận thấy EU không có khả năng tự chủ chiến lược, Bắc Kinh đã có những hành động có thể dẫn đến chia rẽ châu Âu.

Khi tham vọng lớn của Con đường tơ lụa mới không đạt được thành công tại Pháp và Đức, Trung Quốc đã quay sang phát triển chương trình cơ sở hạ tầng với các nước Đông và Trung Âu.

Các lãnh đạo EU đã thất bại trong việc chiếm giữ vị trí siêu cường hàng đầu với một sự độc lập tự chủ về chính trị và chiến lược trong các lĩnh vực chủ chốt.

Trách nhiệm thuộc về các nhà lãnh đạo của EU khi họ thất bại trong việc chuyển tiếp lên tầm siêu cường hàng đầu, với sự độc lập tự chủ chính trị chiến lược trong các lĩnh vực chủ chốt do không có được một chính sách đối ngoại thống nhất, trì hoãn thực hiện kế hoạch về quốc phòng châu Âu và thiếu chính sách tài chính, tiền tệ chung.

Đồng euro chưa từng đạt vị trí thống trị và cũng không phải là đơn vị thanh toán hay dự trữ chính. Dự trữ ngoại hối toàn cầu vẫn 3/4 là bằng đồng USD.

Cuối cùng, sự bất lực của cách lãnh đạo châu Âu còn thể hiện ở việc chưa thể đưa ra chiến lược dài hạn cho vấn đề người nhập cư.

Vì tất cả những lý do này, EU đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng có thể đe dọa sự tồn tại của khối này.

Tổng thống Mỹ đã coi EU là một "kẻ thù thương mại" và hệ quả là Trump cũng trở thành "kẻ thù" của EU.

EU đang phải chiến đấu trên 4 mặt trận. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU, tình trạng yếu kém kinh tế so với Mỹ cùng sự phụ thuộc về quốc phòng làm cho châu Âu không thể tạo đà nhảy vọt.

Điều cần thiết hiện nay là phải siết lại đội ngũ xung quanh những thành viên hạt nhân có lợi ích gắn liền với việc duy trì một EU có chủ quyền.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là ai có thể đảm nhiệm vị trí dẫn đầu? Liệu cặp Macron-Merkel có đủ sức để vực lại EU?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục