Tại cuộc họp ở Milan của Italy hôm cuối tuần, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) nói rằng đầu tư là yếu tố then chốt để giúp kinh tế châu Âu phục hồi đà tăng trưởng, song các lựa chọn giải pháp xem ra vẫn hạn chế do khu vực này còn không ít các vấn đề về ngân quỹ và chi tiêu chưa được giải quyết.
Trong nhiều năm qua, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đi đầu trong việc kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cắt giảm ngân sách, song giờ đây EU đang đứng trước những lời kêu gọi phải đẩy mạnh chi tiêu ngân sách để đối phó với những tác động bất lợi về tăng trưởng kinh tế, phát sinh từ việc chính phủ nhiều nước trong khu vực thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng."
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế, Jyrki Katainen, nói rằng nếu các nước chi tiêu ngân sách một cách thông minh (cho nghiên cứu và đổi mới), thì sẽ giúp tạo ra nhiều phúc lợi cho người dân.
Các quan chức EU thừa nhận rằng tình hình hiện nay ngày càng đáng lo ngại. Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Vitor Constancio, cảnh báo rằng mức tăng trưởng và đầu tư ở EU hiện nay vẫn tụt hậu so với năm 2007, thời điểm trước khủng hoảng.
Nhiều lựa chọn để thúc đẩy đầu tư trên toàn châu Âu đã được đưa ra thảo luận, nhưng EU vẫn chưa thống nhất lựa chọn giải pháp nào, thêm vào đó là vấn đề về nguồn kinh phí để hỗ trợ giải pháp đó. Tình hình càng trở nên khó khăn trong bối cảnh hầu hết chính phủ các nước EU đều thâm hụt ngân sách.
Jean-Claude Juncker, người sẽ đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Ủy ban châu Âu vào tháng 11 tới, đã kêu gọi việc thực hiện kế hoạch đầu tư trị giá 300 tỷ euro (388 tỷ USD) với nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn, từ cả nhà nước lẫn tư nhân. Trong khi đó, Ba Lan kêu gọi EU chi khoảng 700 tỷ euro trong 5 năm tới để chấn hưng nền kinh tế.
Một lựa chọn khác được đề cập tới là khả năng phát hành trái phiếu được chính phủ bảo đảm cho các dự án đầu tư lớn (còn gọi là trái phiếu dự án), một kế hoạch được cho là có lợi cho toàn bộ 28 nước thành viên EU./.