EU đoàn kết trên trận chiến chống lại Mỹ về 'thuế kỹ thuật số'

Washington đe dọa Pháp với kế hoạch áp dụng thuế quan 100% hàng xuất khẩu của quốc gia châu Âu, trong đó có những mặt hàng xa xỉ và rượu vang với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD.
EU đoàn kết trên trận chiến chống lại Mỹ về 'thuế kỹ thuật số' ảnh 1Rượu vang Pháp được bày bán tại một siêu thị ở Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 18/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang muốn giải quyết tranh chấp với Mỹ về các mức thuế kỹ thuật số của Pháp "một cách thân thiện," song nếu Washington muốn áp đặt các biện pháp thuế quan đối với Paris, thì phản ứng của EU sẽ thống nhất.

Quan điểm của EU sẽ là tìm kiếm "các cuộc thảo luận ngay lập tức để giải quyết vấn đề này một cách thân thiện" nhằm ngăn chặn vụ việc được đưa ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều đó có nghĩa là nếu các cuộc đàm phán thất bại, vấn đề tranh chấp về thuế quan giữa hai đối tác thương mại này sẽ phải được giải quyết trong WTO.

[Video] Ngành sản xuất phomai Pháp điêu đứng trước thương chiến Mỹ-EU

Người phát ngôn EC nói về bản chất đây chính là nơi tốt nhất để giải quyết tranh chấp kiểu này.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Washington đe dọa Pháp với kế hoạch áp dụng thuế quan 100% hàng xuất khẩu của quốc gia châu Âu, trong đó có những mặt hàng xa xỉ và rượu vang với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD.

Động thái này đến sau khi một điều tra của phía Mỹ kết luận rằng thuế kỹ thuật số của Pháp tạo ra sự "phân biệt đối xử” với các công ty như Google, Apple, Facebook và Amazon (gọi là thuế GAFA).

Phía châu Âu sẽ phải công bố ý kiến của mình trước ngày 6/1 và một phiên điều trần về trường hợp này sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau tại Quốc hội Mỹ.

Nếu Mỹ quyết định xử phạt các sản phẩm của Pháp, người phát ngôn của EC đã đảm bảo rằng EU sẽ "hành động và phản ứng như một thực thể và vẫn đoàn kết."

Tháng Bảy năm ngoái, Pháp đã quyết định áp thuế 3% cho các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm được tạo ra bởi các hoạt động kỹ thuật số ở mức hơn 750 triệu euro, trong đó có 25 triệu euro được thực hiện trên lãnh thổ Pháp.

Phát biểu với báo chí tại Paris, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, thuế của Pháp không nhằm vào một quốc gia hay công ty cụ thể nào.

Ông Le Maire giải thích luật này dựa trên "thuế công bằng" đối với các hoạt động kỹ thuật số trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 30 công ty có liên quan, bao gồm các công ty châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.

Ông Le Maire lưu ý rằng Pháp sẵn sàng rút lại sắc thuế của mình ngay khi có một thỏa thuận liên quan đến đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về thuế kỹ thuật số trên toàn thế giới.

Ông nói Pháp sẵn sàng chấp nhận đề xuất của OECD. Nếu Mỹ cũng sẵn sàng, thì cuộc tranh luận kết thúc, đó cũng là sự chấm dứt những trở ngại giữa Pháp, Mỹ và EU.

Ông Le Maire nhấn mạnh nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối tìm giải pháp hòa giải và áp đặt thuế chống lại Pháp, EU sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả ở cấp độ châu Âu. Nếu việc áp đặt thuế quan của Mỹ thành hiện thực, EC sẽ phải tiếp nhận trách nhiệm xử lý vấn đề này.

Châu Âu khẳng định sẽ đứng sau các quốc gia thành viên khi họ phải chịu các biện pháp trừng phạt trong một tranh chấp thương mại. Tháng Tám năm ngoái, khi Chính quyền Trump lần đầu tiên đe dọa áp thuế đối với Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khi đó đã nói rằng châu Âu sẽ "đáp trả tương xứng."

Thỏa thuận tạm dừng được quyết định giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Emmanuel Macron trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Biarritz hồi tháng 8/2018 đã hết hạn vào tuần trước.

Mỹ ngay lập tức quay trở lại cuộc tấn công khi tiến hành một cuộc điều tra theo Điều 301, vốn từng kết luận rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp là phân biệt đối xử với các công ty Mỹ.

Trong một thông cáo, Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố kết quả điều tra cũng cho thấy sắc thuế này "không phù hợp với các nguyên tắc thuế hiện hành” vì tính hồi tố, áp dụng trên doanh thu hơn là thu nhập.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói thêm rằng chính sách đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số từ Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là đối tượng của một cuộc điều tra tương tự.

Ngoài các biện pháp chống lại thuế kỹ thuật số của Pháp, Chính quyền Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ tăng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa châu Âu trị giá 7,5 tỷ USD, trong bối cảnh có sự tranh chấp về bảo trợ đối với nhà sản xuất máy bay của châu Âu Airbus.

Ông Lighthizer đã tuyên bố rằng một "hành động cứng rắn" là cần thiết để giải quyết vấn đề trợ cấp châu Âu này, sau khi một báo cáo của WTO kết luận rằng châu Âu chưa hoàn toàn chấm dứt hỗ trợ tài chính cho Airbus.

Do đó, Mỹ đã bắt đầu tiến trình nhằm vào tăng thuế suất, đã áp dụng cho một danh sách dài các sản phẩm châu Âu, đặc biệt là từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Vương quốc Anh - các quốc gia đứng sau tập đoàn Airbus.

EC đã nhấn mạnh rằng báo cáo của WTO có "một số lỗi pháp lý nghiêm trọng trong đánh giá về sự tuân thủ EU với các điều khoản dự kiến và EU đã có kế hoạch kháng cáo để những lỗi này được sửa chữa."

Người phát ngôn EC cho biết theo quy định của WTO, các báo cáo tuân thủ "không thể được lấy làm cơ sở" cho các biện pháp trừng phạt bổ sung, đồng thời cảnh báo sự leo thang tranh chấp thương mại sẽ không giúp tìm ra giải pháp.

WTO dự kiến sẽ cho phép EU áp thuế đối với Mỹ vào đầu năm tới, để trả đũa hành động trợ cấp cấp của Mỹ cho Boeing trong những năm qua.

EC đã đề nghị bỏ qua các mức thuế đối kháng mà mỗi bên có quyền áp đặt để tìm giải pháp đàm phán cho cuộc chiến chống trợ cấp được cấp cho ngành hàng không. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ không hề đồng ý với đề xuất của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục