Ngày 3/12/2013, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận duyệt ngân sách 80 tỷ euro trong 7 năm (2014-2020) cho chương trình nghiên cứu và đổi mới EU (Horizon 2020).
Horizon 2020 là chương trình nghiên cứu lớn nhất của EU và cũng là dự án nhận được khoản tài trợ nhiều nhất trên thế giới từ chính phủ.
Bà Maire Geoghegan - Quinn, Cao ủy về Nghiên cứu, Đổi mới và Khoa học cho biết: "Tôi rất hoan nghênh quyết định của Liên minh châu Âu Horizon 2020 và công việc thực sự bắt đầu ngay từ hôm nay. Trong thời gian 7 năm tiếp theo, chúng tôi sẽ sử dụng ngân sách của Horizon 2020 để xây dựng một châu Âu mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn, một châu Âu có sức cạnh tranh hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi công dân. Chúng tôi sẽ bắt đầu khởi động kêu gọi tài trợ trong khuôn khổ Horizon 2020 ngày 11/12/2013. Đó sẽ là một cơ hội rất lớn cho các nhà khoa học và các doanh nghiệp trên toàn châu Âu."
Hai cơ quan, The Marie Sklodowska-Curie Actions (MSCA) và Viện Đổi mới và Công nghệ châu Âu (European Institute of Innovation and Technology - EIT) sẽ nhận được tài trợ nhiều nhất từ ngân sách Horizon 2020.
Bà Androulla Vassiliou, Cao ủy về Giáo dục, Văn hóa, Ngoại ngữ và Thanh niên cho hay: "Tôi rất vui mừng khi Hội đồng đã đồng ý tăng đáng kể ngân sách cho EIT và MSCA. Điều đó sẽ trợ giúp cho các đối tác đa quốc gia trong nghiên cứu hợp tác kinh doanh và đổi mới công nghệ. Nó cũng tạo ra thị trường về giáo dục đại học nhằm tăng cường nguồn nhân lực châu Âu và đổi mới công nghệ nhằm phục hồi kinh tế của châu Âu."
Horizon 2020 là một mô hình mới trong nghiên cứu của EU nhằm cung cấp những kết quả đa dạng trong cuộc sống của người dân châu Âu. Horizon 2020 được xây dựng trên ba trụ cột: Khoa học đỉnh cao, Lãnh đạo công nghiệp và Thách thức xã hội. Horizon 2020 là chương trình đầu tiên của châu Âu nhận được tài trợ từ ngân sách của EU trong công tác nghiên cứu và đổi mới công nghệ./.