EU hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng nhu cầu khí đốt nhằm giảm phụ thuộc vào Nga

EU nhất trí hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng nhu cầu khí đốt trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, giữa lúc các nước này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Nga.
EU hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng nhu cầu khí đốt nhằm giảm phụ thuộc vào Nga ảnh 1Nhân viên kiểm tra các thiết bị tại khu dự trữ khí đốt Dashava gần thị trấn Stryi, miền Tây Ukraine ngày 14/2. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 27/4, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng nhu cầu khí đốt trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, giữa lúc các nước này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Nga.

Sáng kiến trên nhằm phân chia EU thành các nhóm khu vực, theo đó các nước thành viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp thiếu nguồn khí đốt.

Cụ thể, theo kế hoạch, các nước trong khu vực EU sẽ hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho các hộ gia đình, cũng như các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện khi thiếu khí đốt trầm trọng.

Bộ trưởng Năng lượng Malta Konrad Mizzi cho rằng luật pháp đóng góp đáng kể cho an ninh năng lượng của EU, giúp giảm phụ thuộc nguồn cung năng lượng vào các nước khác, đồng thời giúp khối này có thể giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn đối với mọi cuộc khủng hoảng khí đốt. Malta hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.

[Ba Lan, Ukraine tố Nga dùng đường ống khí đốt để đe dọa chính trị]

Ủy ban châu Âu nhấn mạnh kế hoạch trên được áp dụng như “biện pháp cuối cùng” sau khi mọi biện pháp khẩn cấp khác đều vô tác dụng.

Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng sau các cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông những năm trước và giữa lúc căng thẳng với Nga – nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu.

Liên minh châu Âu phụ thuộc đến 1/3 nguồn cung năng lượng từ Nga, trong đó có 50% tổng lượng khí đốt được trung chuyển qua Ukraine.

Trong giai đoạn năm 2006 – 2009, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt vào đúng mùa Đông, gây ra sự thiếu hụt khí đốt trầm trọng tại châu Âu, đặc biệt tại nhiều nước vẫn phụ thuộc gần như toàn bộ nhu cầu năng lượng vào Nga.

Lo ngại về nguy cơ Moskva lại cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu lại nổi lên trong những năm gần đây sau khi Nga và EU bất đồng sâu sắc về cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục