EU, Hy Lạp tạm thời cho phép 5.000 người di cư hồi hương tự nguyện

Cơ chế sẽ được áp dụng trong 1 tháng, tạo cơ hội cho người di cư đang sống trong trại tị nạn trên các đảo ở Hy Lạp và những người đến nước này trước ngày 1/1/2020 được nộp đơn tình nguyện hồi hương.
EU, Hy Lạp tạm thời cho phép 5.000 người di cư hồi hương tự nguyện ảnh 1Người tị nạn tại Hy Lạp. (Ảnh: AFP/Getty)

Bộ trưởng Di cư và Tị nạn Hy Lạp Notis Mitarachi và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề nội địa Ylva Johansson ngày 12/3 thông báo, hai bên đã thiết lập một cơ chế tạm thời cho phép 5.000 người di cư hồi hương tự nguyện từ các đảo của Hy Lạp.

Hãng thông tấn quốc gia AMNA của Hy Lạp cho biết, cơ chế trên sẽ được áp dụng trong 1 tháng, tạo cơ hội cho người di cư đang sống trong trại tị nạn trên các đảo ở Hy Lạp và những người đã đến nước này trước ngày 1/1/2020 được nộp đơn tình nguyện hồi hương.

Kế hoạch trên do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ, theo đó khoảng 5.000 người di cư sẽ được hỗ trợ 2.000 euro/người. Việc hồi hương sẽ do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) phối hợp tổ chức.

Kế hoạch sẽ góp phần giảm tải cho các đảo ở Đông Bắc Hy Lạp trên biển Aegean, nơi từ đầu năm 2015 đã tiếp nhận một lượng lớn người di cư hàng loạt từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 1 triệu người đã đến Hy Lạp và tiếp tục hành trình tới các nước châu Âu khác trước khi có thỏa thuận tháng 3/2016 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Hiện khoảng 100.000 người di cư đang mắc kẹt tại Hy Lạp, trong đó hơn 40.000 người đang ở trong các trung tâm tiếp nhận đã quá tải trên các đảo. Dòng người di cư đã giảm mạnh trong vài tháng trước khi tăng trở lại từ năm 2019, đặc biệt trong hai tuần qua khi hàng chục nghìn người di cư và tị nạn đồ về khu vực biên giới giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nguồn tin Chính phủ Hy Lạp, ít nhất 40.000 người vượt biên trái phép vào Hy Lạp đã được chặn lại ở biên giới trên bộ kể từ cuối tháng 2.

Trong bối cảnh EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang khởi động các cuộc đàm phán trong tuần này về việc tiếp tục thực thi thỏa thuận năm 2016, Chính phủ Hy Lạp tái khẳng định lời kêu gọi các thành viên khác của EU cần tiếp nhận người di cư để gánh nặng này được san sẻ đều hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)