EU lập một công ty đặc biệt để thực hiện các giao dịch với Iran

Liên minh châu Âu (EU) đang thành lập Công ty Phục vụ mục đích đặc biệt để thực hiện các giao dịch với Iran, trong bối cảnh Mỹ tái khởi động các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
EU lập một công ty đặc biệt để thực hiện các giao dịch với Iran ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đang thành lập Công ty Phục vụ mục đích đặc biệt (Special Purpose Vehicle - SPV) để thực hiện các giao dịch với Iran, trong bối cảnh Mỹ tái khởi động các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Bộ trưởng Le Maire cho biết đây là một phần trong kế hoạch tăng cường "chủ quyền kinh tế" của EU, với tham vọng làm cho đồng euro có sức cạnh tranh như đồng USD.

Theo ông, EU đang lập kế hoạch chi tiết để thành lập SPV như một công ty trách nhiệm hữu hạn và sẽ được cấp giấy phép ngân hàng. Ông không nêu tên nước chủ nhà của công ty này, song nhấn mạnh ưu tiên tìm một thành phố có kinh nghiệm "tiếp nhận các thể chế quốc tế" và khung pháp lý "ổn định và nghiêm ngặt" nhất có thể.

Trong tương lai, Pháp mong muốn biến cơ chế này thành một "tổ chức liên chính phủ đóng vai trò là công cụ tài chính độc lập của châu Âu." Theo Bộ trưởng Le Maire, với công cụ này, EU có thể kinh doanh bất kỳ sản phẩm nào với bất kỳ nước nào, miễn là phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết của châu Âu. Ông khẳng định EU không chấp nhận việc Mỹ trở thành "cảnh sát thương mại" thế giới.

[EU lập cơ chế mua dầu của Iran nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ]

Từ ngày 5/11, Mỹ đã khôi phục hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Iran, bao gồm các biện pháp cản trở ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia này. Với lệnh trừng phạt mới, chắc chắn ngành năng lượng và ngân hàng của Iran sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, dù Iran tạm thời vẫn được xuất khẩu dầu cho một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau tuyên bố của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái khởi động các lệnh trừng phạt vào tháng Năm vừa qua, EU đã nỗ lực xây dựng cơ chế đặc biệt cho phép tiếp tục các giao dịch với Iran.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Đặc phái viên của Mỹ tại Liên hợp quốc phụ trách về vấn đề Syria James Jeffrey cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục gây sức ép tài chính đối với Iran ,và đẩy mạnh cuộc chiến chống các hoạt động gây ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Đặc phái viên Jeffrey phát biểu tại một hội nghị cho rằng JCPOA "đã thúc đẩy những hành vi xấu của Iran khiến Mỹ phải rút khỏi thỏa thuận."

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ công bố một báo cáo thường niên trước Quốc hội cho biết Mỹ đã phong tỏa gần 200 triệu USD tài sản của Syria, Iran và Triều Tiên trong năm 2017 sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ba nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục