EU lên kế hoạch mở rộng nhiệm vụ chống khủng bố của Europol

Kế hoạch chống khủng bố mới dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2021 trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang đối mặt với nhiều áp lực sau các vụ khủng bố gần đây ở Pháp và Áo.
EU lên kế hoạch mở rộng nhiệm vụ chống khủng bố của Europol ảnh 1Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở thành phố Nice, Pháp ngày 29/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/12 đã đề xuất mở rộng nhiệm vụ của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) và củng cố các biện pháp kiểm soát biên giới bên ngoài trong chiến lược chống khủng bố rộng lớn hơn của khối.

Kế hoạch chống khủng bố mới dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2021 trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang đối mặt với nhiều áp lực sau các vụ khủng bố gần đây ở Pháp và Áo. EC nêu rõ: “Các quốc gia thành viên cần khẩn trương hoàn thành việc hiện đại hóa công tác quản lý biên giới bên ngoài của EU theo lộ trình đã thỏa thuận, phù hợp với tham vọng phát triển hệ thống quản lý biên giới hiện đại nhất thế giới.”

Trước đó, vào ngày 13/11 vừa qua, Bộ trưởng các nước thành viên EU đã nhất trí siết chặt an ninh tại các đường biên giới bên ngoài và kiểm soát chặt chẽ hơn các bài viết có nội dung cực đoan bạo lực trên Internet. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp về phối hợp chính sách chống khủng bố, các Bộ trưởng nội vụ bày tỏ hy vọng hoàn tất các cuộc đàm phán với EC và Nghị viện châu Âu (EP) về các quy định mới nhằm kiểm soát các nội dung trực tuyến trước cuối năm nay.

[EU siết chặt quy định kiểm soát nội dung cực đoan trên Internet]

Tuyên bố nêu rõ dự luật mới đề xuất cho phép ban hành các lệnh có hiệu lực trên toàn liên minh nhằm tạo ra công cụ mới, hiệu quả và nhanh chóng giúp nhanh chóng gỡ các bài viết có nội dung cổ xúy khủng bố trong chưa đến một giờ đồng hồ sau khi bị "đánh dấu."

Các Bộ trưởng cũng nhất trí kiểm soát hiệu quả các đường biên giới bên ngoài của EU, ghi lại và số hóa dữ liệu xuất - nhập cảnh giữa các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen với bên ngoài, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia thứ ba nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố.

Trong thời gian gần đây, châu Âu đã hứng chịu hai vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong, khiến dư luận và giới chức châu Âu thêm lo ngại về vấn đề an ninh. Ngày 2/11, tại thủ đô Vienna của Áo đã xảy ra một vụ xả súng do một phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thực hiện, khiến 4 người thiệt mạng và 22 người bị thương.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công thứ ba trong hơn hai tháng tại Pháp liên quan đến các phần tử cực đoan Hồi giáo, bao gồm vụ sát hại dã man một thầy giáo lịch sử ngày 16/10 ở ngoại ô thủ đô Paris./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục