EU sắp tung vũ khí mới để chống lại sự áp lực kinh tế từ Trung Quốc

EU dự kiến sẽ công bố một "vũ khí" thương mại mạnh mẽ mới có thể khiến Trung Quốc và các quốc gia khác bị cáo buộc là áp bức kinh tế bị loại khỏi những hệ thống sinh lợi của thị trường EU.
EU sắp tung vũ khí mới để chống lại sự áp lực kinh tế từ Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EC)

Trang mạng scmp.com đưa tin Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố một "vũ khí" thương mại mạnh mẽ mới có thể khiến Trung Quốc và các quốc gia khác bị cáo buộc là áp bức kinh tế bị loại khỏi những hệ thống sinh lợi của thị trường EU.

Theo một bản dự thảo đề xuất mà scmp.com có được, công cụ chống áp bức kinh tế này sẽ nhắm vào các nhà nước đang nỗ lực “can thiệp vào những lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU và một trong số 27 nước thành viên của khối này “bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp tác động đến thương mại hoặc đầu tư.”

Bản đề xuất vạch ra một loạt biện pháp trừng phạt mà EU có thể áp dụng khi cảm thấy có hành vi áp bức đang diễn ra, bao gồm áp đặt thuế quan, cản trở tiếp cận thị trường thông qua việc áp dụng các hạn ngạch và giấy phép kinh doanh, cũng như sự hạn chế tiếp cận với các chương trình mua sắn công và các thị trường đầu tư.

[Quan hệ EU-Trung Quốc: Nạn nhân của chính sách ngoại giao chiến lang?]

Động thái này diễn ra trong bối cảnh vấn đề áp bức kinh tế đã được đẩy lên hàng đầu trong chương trình nghị sự EU-Trung Quốc trước những xung đột xảy ra giữa Litva và Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh bị cáo buộc chặn hàng nhập khẩu từ Litva sau khi quốc gia Baltic này mở rộng quan hệ với Đài Loan.

Theo đề xuất dự thảo, những người bị phát hiện liên quan đến hành vi cưỡng bức này có thể bị hạn chế tiếp cận nguồn cung ứng hàng hóa được quản lý bởi các nguyên tắc chỉ đạo kiểm soát xuất khẩu của EU, bị cắt quyền sở hữu trí tuệ, loại khỏi các dịch vụ tài chính khổng lồ hay các doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất của khối, hoặc cũng có thể phải đối mặt với những rào cản về vệ sinh hay kiểm dịch thực vật để khai thác các thị trường thực phẩm EU.

Tuy nhiên, văn bản cũng nhắc lại tuyên bố rằng Brussels coi công cụ này là một sự răn đe và là “phương án cuối cùng” chỉ đem ra sử dụng khi những nỗ lực khác nhằm chống lại sự áp bức kinh tế đã thất bại.

Văn bản viết: “Liên minh chỉ nên áp đặt các biện pháp trừng phạt khi những công cụ khác như đàm phán, trung gian và phân xử không dẫn tới được sự chấm dứt một cách hiệu quả và ngay lập tức tình trạng áp bức kinh tế và sự bồi thường thiệt hại mà bên bị cáo buộc đã gây ra.”

Trách nhiệm triển khai công cụ này sẽ nằm ở phía ủy ban, có nghĩa là khả năng các hành động thương mại riêng lẻ bị cản trở bởi các thành viên EU bất mãn ở cấp Hội đồng châu Âu là rất hạn chế, qua đó sẽ khiến công cụ này trở thành luật.

Đề xuất này sẽ được công bố ngày 8/12 và sau đó sẽ trải qua một tiến trình lập pháp dài hơi, trong đó nó cần phải được Hội đồng châu Âu với lãnh đạo 27 nước thành viên, sau đó là Nghị viện châu Âu, phê chuẩn trước khi được ký thành luật.

Mặc dù việc hình thành công cụ này bắt đầu từ khi Brussel tìm cách chống lại các loại thuế mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp đặt, nhưng trong quá trình phát triển, Trung Quốc lại trở thành trọng tâm của sáng kiến này, mặc dù dự thảo không đề cập rõ tên của nền kinh tế thứ hai thế giới. Công cụ này sẽ góp phần nối dài chuỗi các vấn đề đang khiến mối quan hệ EU-Trung Quốc rơi vào giai đoạn “nhạy cảm."

Ngày 6/12, EU đã gia hạn các lệnh trừng phạt thêm một năm đối với 3 quan chức và một thực thể Trung Quốc vì các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Nữ phát ngôn viên của ban giám đốc thương mại của EU, bà Miriam Garcia Ferrer, ngày 6/12 đã xác nhận rằng Brussels đang tham vấn cả Bắc Kinh và Vilnius về các thông tin cho rằng Trung Quốc đã loại Litva khỏi danh sách các quốc gia trên cổng thông tin hải quan của nước này, có nghĩa là các mặt hàng xuất khẩu từ quốc gia Baltic này sẽ không thể vận chuyển đến Trung Quốc.

Bà nói: “Giới chức Liva đã thông báo với chúng tôi về các trường hợp doanh nghiệp không thể làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem xét xem liệu đây là trường hợp đặc biệt hay vấn đề mang tính hệ thống. Và khi điều này được xác định, chúng tôi sẽ xem xét xem liệu hành động của Trung Quốc có phù hợp với các điều lệ của WTO hay không.”

Một quan chức EU giấu tên cho biết nếu những thông tin về vụ chặn xuất khẩu này là chính xác thì đây là một sự “vi phạm rõ ràng” các điều lệ của WTO.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, EU không thể làm gì được nhiều bởi những công cụ chính khả dụng hiện nay của EU chỉ là một vụ kiện lên WTO có thể mất vài năm, hoặc một công cụ chống áp bức kinh tế, vốn chỉ có thể được áp dụng sớm nhất là vào cuối năm sau.

Trong nhiều năm, đã có hàng loạt nước thành viên EU phàn nàn về các hành vi áp bức của Trung Quốc. Các phái đoàn thương mại của Thụy Điển đến Trung Quốc những năm gần đây liên tục bị hủy bỏ cùng với các cảnh báo hạn chế đi lại sau khi nước này quyết định loại Huawei và ZTE khỏi mạng lưới 5G của nước này.

Tuy nhiên, theo Viking Bohman, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Trung Quốc Quốc gia Thụy Điển, một “lệnh cấm toàn diện” đối với các mặt hàng xuất khẩu như trong trường hợp của Litva là “chưa từng có tiền lệ.”

Chuyên gia nói: “Nếu Trung Quốc thực sự cắt đứt thương mại song phương, tôi có thể nói rằng đây là một sự leo thang. Đây cũng là một trường hợp rõ ràng hơn với WTO, và nó cũng nói lên rằng Trung Quốc có vẻ đang sẵn sàng đi xa hơn, và xa hơn nữa với các biện pháp áp bức kinh tế của mình. Đây không chỉ là một sự cố đặc biệt; bởi chúng ta thấy rằng cường độ và tần số các hành động như vậy dường như đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.”

Mặc dù trường hợp của Litva đã đẩy vấn đề này lên hàng đầu chương trình nghị sự, song các thành viên EU vẫn bị chia rẽ về sự cần thiết của công cụ này.

Một quan chức ngoại giao EU tham gia các cuộc thảo luận nói trên cho biết một nhóm các nước theo trường phái thương mại tự do, dẫn đầu bởi Thụy Điển, đã “thẳng thắn” chỉ trích công cụ này, trong khi Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Trong các phản ứng chính thức đăng tải trên trang web của EU, chính phủ Thụy Điển và Estonia đã hối thúc EU làm việc dựa trên các điều lệ của WTO, giống như các nội dung đệ trình từ Nhật Bản.

Bản đệ trình từ Hội đồng Thương mại Quốc gia Thụy Điển có đoạn: “Trong chừng mực có thể, chúng ta nên tránh vũ khí hóa chính sách thương mại của EU và góp phần vào một cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là vào thời điểm các mối quan hệ chính sách thương mại với Mỹ đang được cải thiện dưới thời chính quyền Mỹ mới.”

Bản đệ trình của Nhật Bản hối thúc EU “xem xét cẩn thận các tác động tiêu cực có thể xảy ra với hệ thống thương mại quốc tế khi thực thi sáng kiến này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục