Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/10 thông báo sẽ đề xuất vào năm 2022 một lệnh cấm đối với các hóa chất gây hại nhất cho sức khỏe được sử dụng làm phụ gia trong các sản phẩm tiêu dùng.
Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành luật về hóa chất nghiêm ngặt nhất thế giới, bao gồm lệnh cấm rộng rãi đối với các chất có thể gây ung thư trong các sản phẩm tiêu dùng như đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm hay bao bì thực phẩm.
EC sẽ đề xuất các quy tắc vào năm tới để tiến tới hạn chế nhóm những hóa chất độc hại khác, thay thế cách tiếp cận từng trường hợp hiện tại để hạn chế chúng. Đề xuất về lệnh cấm sẽ được thực hiện vào năm 2022.
[EEA: 13% số ca tử vong tại châu Âu do ô nhiễm môi trường]
Các chất liên quan bao gồm những tác nhân có nguy cơ gây rối loạn nội tiết, can thiệp vào nội tiết tố theo cách có thể ảnh hưởng đến hệ sinh sản và các chất hóa học không phân hủy nếu chúng xâm nhập vào cơ thể hoặc môi trường.
Lệnh cấm các chất kể trên trong các sản phẩm tiêu dùng có thể được mở rộng đến các hóa chất ảnh hưởng đến hệ hô hấp và miễn dịch.
Những chất được coi là cần thiết cho các mục đích sử dụng đặc thù, như trong y tế hoặc công nghệ cắt giảm khí thải, sẽ được miễn trừ trong trường hợp không có lựa chọn thay thế.
Trong thông báo, Ủy viên EU phụ trách môi trường Virginijus Sinkevicius cho biết không thể đếm được có bao nhiêu hóa chất nằm trong quy định, nhưng Ủy ban đã xác định được khoảng 200 loại. Đây là một con số lớn, với rất nhiều hóa chất liên quan và danh sách chỉ có thể được mở rộng.
Các tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh việc kiềm chế các chất độc hại, nhưng một số nhà lập pháp và nhiều tập đoàn của EU cho biết các đề xuất này chưa giải quyết được việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm để sản xuất hóa chất.
Hóa chất là ngành tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, sản xuất hóa chất sơ cấp thải ra 880 triệu tấn CO2 vào năm 2018./.