EU tiếp tục gây sức ép đối với Dự luật ngân sách 2015 của Italy

Dù đã thông qua ngân sách của Italy, nhưng EC sẽ đưa ra đánh giá cuối cùng vào tháng 3/2015 sau khi xem xét những tiến triển mà Italy đạt được đối với chương trình cải cách cơ cấu kinh tế.
EU tiếp tục gây sức ép đối với Dự luật ngân sách 2015 của Italy ảnh 1Liên minh châu Âu tiếp tục gây sức ép đối với Dự thảo ngân sách 2015 của Italy. (Nguồn: www.neurope.eu)

Trong bản tin hàng tháng công bố ngày 11/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) yêu cầu Chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi phải đảm bảo rằng Italy tôn trọng Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của Liên minh châu Âu (SGP) nhằm tránh làm mất niềm tin của giới đầu tư.

ECB khẳng định tầm quan trọng của việc Italy thực hiện cam kết đầy đủ đối với các yêu cầu của SGP và các nguyên tắc về nợ công nhằm tránh gây nguy hiểm cho ổn định tài chính và duy trì niềm tin của thị trường.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã tạm thời thông qua dự luật ngân sách năm 2015 của Italy, với khoản cắt giảm thuế trị giá 18 tỷ euro nhằm khôi phục nền kinh tế đang bị suy thoái của nước này.

Tuy nhiên, EC cũng cho biết dự luật ngân sách của Italy có nguy cơ phá vỡ SGP vì không đủ khả năng để giúp giảm khoản nợ công khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ euro, tương đương khoảng 132% GDP của nước này xuống mức mục tiêu là 60% GDP.

Dù đã thông qua ngân sách của Italy, nhưng EC sẽ đưa ra đánh giá cuối cùng vào tháng 3/2015 sau khi xem xét những tiến triển mà Italy đạt được đối với chương trình cải cách cơ cấu kinh tế mà nước này đã đưa ra.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định hôm 10/12 rằng Italy sẽ phải đối mặt với những hậu quả xấu nếu không đáp ứng được các yêu cầu của EU.

Báo cáo trên của ECB cũng nêu rõ, dự thảo ngân sách của Italy dự báo mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 2,6% GDP trong năm 2015, giảm hơn 1,8% GDP so với mức mục tiêu đưa ra trong chương trình ổn định kinh tế 2014.

Ngoài các vấn đề khác, dự thảo này cũng dự báo mức cắt giảm về an sinh xã hội đối với những lao động mới được tuyển dụng, cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp địa phương và việc chuyển đổi vĩnh viễn, miễn giảm thuế cho những người thu nhập thấp đã được đưa ra từ tháng Tư.

Để thực hiện những biện pháp mở rộng này, một phần chi phí sẽ lấy từ việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt là ở cấp địa phương.

Về tổng thể, dự luật ngân sách của Italy sẽ đưa đến sự gia tăng nhu cầu vay ròng trong năm 2015 ở mức 0,4% GDP. Hơn nữa, Chính phủ Italy cũng lên kế hoạch trì hoãn thực hiện mục tiêu ngân sách ngắn hạn đến năm 2017, chậm hơn hai năm so với đề nghị của Hội đồng kinh tế và tài chính EU đưa ra vào tháng Bảy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục