EU và Mercosur đã đạt được thỏa thuận về FTA

Các nước Trung Mỹ và EU vừa đạt được thỏa thuận về FTA giữa hai khu vực, sau một tiến trình đàm phán "căng thẳng" tại Tây Ban Nha.
Các nước Trung Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận về hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương lần đầu tiên giữa hai khu vực, sau một tiến trình đàm phán "căng thẳng" tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Thỏa thuận trên được thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ Latinh, đang diễn ra Madrid, Tây Ban Nha.

Tuyên bố chung cho hay, sáu quốc gia Trung Mỹ (gồm Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Panama) và EU gồm 27 nước thành viên đã hoàn tất các cuộc thương thuyết về vấn đề thương mại tự do - trụ cột của Hiệp định Liên kết (AA).

Các bộ trưởng thương mại của sáu nước Trung Mỹ và EU đã bảy tỏ sự "hài lòng tuyệt đối" về kết quả đàm phán.

Chánh văn phòng Nội các El Salvador, Alexander Segovia đã đánh giá cao sự "linh hoạt" của các nước EU và sáu quốc gia Trung Mỹ trong nỗ lực hoàn tất FTA giữa đôi bên, sau khi tiến trình thương thuyết được chính thức khởi động từ năm 2007.

Trước đó, ngày 17/5, EU và các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay cũng nhất trí nối lại đàm phán về một FTA tương tự.

Phát biểu tại cuộc báo ở Madrid chiều 17/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero nói: "Chúng tôi đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại với Mercosur, được cho là đầy tham vọng và cân bằng giữa hai khối kinh tế lớn này."

Ông Zapatero cho biết quyết định trên đều nhận được sự tán thành cao từ cả hai phía, bất chấp sự phản đối của một số Bộ trưởng Nông nghiệp của một vài nước EU vì lo ngại thỏa thuận trong tương lai có thể ảnh hưởng tới ngành sản xuất nông nghiệp của họ.

Thủ tướng Zapatero đánh giá đây sẽ là thỏa thuận thương mại rất quan trọng của EU, đồng thời cho biết hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán đầu tiên vào đầu tháng 6/2010.

Theo dự kiến, chủ đề chính trong các cuộc đàm phán sẽ là cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp (tại Mercosur) và giảm bớt sự trợ cấp của chính phủ đối với các nhà sản xuất nông nghiệp EU, hai yếu tố chính từng làm bế tắc cuộc thương lượng sáu năm về trước.

EU và các nước Mercosur bắt đầu tiến trình đàm phán về FTA từ năm 1999, song đã lâm vào bế tắc năm 2004 do bất đồng về các mức thuế và chính sách bảo hộ dành cho ngành nông nghiệp châu Âu.

Theo các nhà lãnh đạo của hai khối kinh tế lớn này, FTA EU-Mercosur sẽ giúp tăng trao đổi thương mại song phương lên 100 tỷ euro mỗi năm và mang lại lợi ích cho hơn 700 triệu người dân của hai khu vực./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục