Eurozone hoãn giải ngân khoản 8 tỷ euro cho Hy Lạp

Eurozone hoãn ra quyết định về giải ngân khoản cứu trợ thứ 6 và yêu cầu Athens tăng biện pháp kinh tế khắc khổ, siết chặt ngân sách.
Ngày 3/10, Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực đồng euro (Eurozone) một lần nữa nhất trí hoãn đưa ra các quyết định liên quan đến việc giải ngân khoản cứu trợ thứ 6 trị giá 8 tỷ euro cho Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone cũng đồng thời yêu cầu nước này phải tăng cường hơn nữa các biện pháp kinh tế khắc khổ và siết chặt hơn các khoản chi tiêu ngân sách trong hai năm 2013 và 2014.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Luxembourg để thảo luận về tình hình khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở Hy Lạp, và xem xét cải cách Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong các nước khu vực này.

Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tuyên bố sẽ chưa đưa ra các quyết định liên quan đến đợt giải ngân thứ 6 cho Hy Lạp trước khi công việc đánh giá tình hình hiện nay ở Hy Lạp của nhóm chuyên gia "Bộ 3" gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) tại Hy Lạp chưa hoàn tất.

Từ ngày 26/9, đoàn kiểm toán của EU và IMF đã đến Athens bắt đầu công tác đánh giá tiến độ cải cách ở Hy Lạp trước khi quyết định có giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp hay không. Đây là số tiền Athens cần phải có để trả lương và thanh toán một số khoản nợ đáo hạn vào tháng 10.

[Hy Lạp sẽ không thể giảm thâm hụt như đã cam kết]

Chính phủ Hy Lạp lo ngại rằng nếu đến giữa tháng 10 mà chưa nhận được khoản tiền cứu trợ nói trên, nhiều khả năng nước này sẽ bị vỡ nợ, và điều đó sẽ đe dọa nghiêm trọng toàn bộ Khu vực đồng euro, kéo theo những hệ luỵ nghiêm trọng đối với châu Âu và cả thế giới.

Trong khi đó, phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp nói trên của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn nói rằng dường như Hy Lạp chưa đáp ứng được các mục tiêu để có thể được giải ngân.

Mặc dù vậy, cho đến nay Chính phủ Hy Lạp vẫn tuyên bố quyết tâm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết như đã cam kết để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ phá sản, đồng thời khẳng định Athens sẽ vẫn ở trong khối 17 nước sử dụng đồng tiền chung euro.

Trong một diễn biến liên quan, Canada ngày 3/10 đã cảnh báo những tác động tiêu cực nếu Hy Lạp vỡ nợ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty, một nền kinh tế Hy Lạp vỡ nợ có thể tác động xấu tới châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Quan chức tài chính Canada nhấn mạnh Hy Lạp vỡ nợ sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động của nhiều ngân hàng châu Âu, buộc một số thể chế này phải đóng cửa vì nợ xấu quá lớn, đồng thời đẩy các nền kinh tế tại châu lục rơi vào suy thoái.

Ông Flaherty cũng bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng và tín dụng ở châu Âu xảy ra sẽ tác động tiêu cực tới cả thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục