FAO giúp các nước bị tác động bởi giá lương thực

FAO đã công bố các định hướng hành động trợ giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động tiêu cực do giá lương thực tăng cao.
Ngày 26/1, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã công bố các định hướng hành động trợ giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động tiêu cực do giá lương thực tăng cao.

Ông Richard China, Giám đốc hỗ trợ phát triển chính sách và các chương trình của FAO nhấn mạnh, kinh nghiệm từ khủng hoảng lương thực trong năm 2007-2008 cho thấy các quyết định hành động vội vã của nhiều chính phủ nhằm làm giảm tác động của khủng hoảng lại làm khủng hoảng trầm trọng hơn, thậm chí còn làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực.

Nhiều nước đang phát triển xuất khẩu lương thực cũng chịu thiệt hại nặng do không tận dụng được cơ hội này để cải thiện buôn bán, khuyến khích sản xuất lương thực trong nước. Vì vậy, FAO kêu gọi các nước không hành động theo hướng này.

FAO cho rằng về trung và dài hạn, các nước cần tăng đầu tư vào khu vực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển mới nhằm tăng bền vững năng suất, sản lượng, cải thiện an ninh lương thực, xây dựng thị trường lương thực lành mạnh và tăng sức đề kháng trước nguy cơ giá lương thực quốc tế tăng cao. Thế giới cần thay đổi căn bản chế độ lương thực toàn cầu để có thể nuôi dưỡng dân số thế giới đang tăng nhanh.

Các chính phủ cũng cần hành động để thay đổi tập quán dinh dưỡng, giảm lãng phí lương thực, giảm trợ cấp và thúc đẩy phát triển các loại cây lương thực biến đổi gen có năng suất cao. Tuy nhiên, FAO lưu ý đây không phải là giải pháp chung cho tất cả các nước bị tác động của giá lương thực cao. Do đó, các nước cần áp dụng chọn lọc và kết hợp thích hợp các định hướng chính sách này của FAO theo tình hình cụ thể của mỗi nước.

Các nước có thu nhập thấp và thiếu lương thực đang phải gánh chịu những tác động nặng nề do giá lương thực leo thang chủ yếu là các nước châu Phi.

Những người bị tác động nhất là người thực sự có nhu cầu lớn về lương thực như cư dân đô thị và nông dân không sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu của họ. Ước tính, những người này đã phải chi từ 70-75% thu nhập để mua lương thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục