FAO nhận định thị trường nông sản thế giới khởi sắc

FAO nhận định từ sau vụ lúa mì thất bát, nguồn cung các mặt hàng lương thực cơ bản cho thị trường toàn cầu đã được cải thiện đáng kể.
Nguồn cung các mặt hàng lương thực cơ bản cho thị trường toàn cầu đã cải thiện kể từ sau vụ lúa mì thất bát và tình hình thị trường căng thẳng cách đây một năm.

Đây là nhận định của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) trong báo cáo về triển vọng lương thực thế giới định kỳ hai lần một năm, được công bố ngày 13/6.

FAO dự báo các thị trường hàng lương thực cơ bản sẽ cân bằng hơn trong vụ mùa 2013-2014, do giá cá và thịt tăng sẽ bù đắp sự sụt giảm về giá một số mặt hàng khác như đường.

Sau thời kỳ khó khăn trong vụ mùa 2012-2013, điển hình là nguồn cung ngũ cốc giảm và giá tăng, triển vọng tốt về sản lượng và dự trữ trên thế giới có thể giúp ổn định thị trường và nới lỏng giá trong mùa mới.

Theo ước tính của FAO, sản lượng đường trên thế giới đạt mức kỷ lục trong vụ mùa 2012-2013, dư thừa so với mức tiêu thụ trên toàn cầu. Sản lượng kỷ lục về lúa mì giúp tăng nguồn cung, trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm giúp ổn định thị trường và nới lỏng giá.

Sự phục hồi này chủ yếu diễn ra ở một số nước sản xuất chính từng gặp phải vụ mùa thất bát nhất trong năm 2012, đặc biệt ở châu Âu và khu vực Biển Đen.

FAO cho biết giá gạo trên thị trường thế giới nhìn chung đã ổn định trong 5 tháng đầu năm nay, song thị trường vẫn đang theo dõi các quyết định trong tương lai liên quan việc mở kho dự trữ ở Thái Lan và và lượng gạo dự trữ để xuất khẩu của Ấn Độ, cũng như tốc độ nhập khẩu gạo ở Trung Quốc.

Cũng theo FAO, sản lượng thịt trên thế giới sẽ chỉ tăng 1,4% trong năm 2013, lên 308,2 triệu tấn. Giá thịt, sữa và cá sẽ tăng, đặc biệt giá thịt vẫn đứng ở mức cao trong lịch sử kéo dài từ năm 2011 và tính đến tháng Năm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cho dù chi phí chăn nuôi đã giảm.

Giá xuất khẩu trung bình trong năm nay tăng mạnh đối với thịt gia cầm, thịt lợn, nhưng ổn định đối với thịt bò và giảm đối với thịt cừu.

Giá các sản phẩm làm từ sữa tăng do nguồn cung xuất khẩu hạn chế mặc dù sản lượng mặt hàng này tiếp tục tăng, đặc biệt ở châu Á.

FAO khẳng định nguồn cung hạn hẹp và chi phí chăn nuôi tăng đối với một số sản phẩm chính như cá hồi và tôm sẽ đẩy giá hải sản thế giới lên cao hơn. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới vẫn tăng nhờ hoạt động chăn nuôi, vì nhu cầu mạnh ở trong nước và khu vực giúp duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng ở các nước đang phát triển./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục