FAO vinh danh VN về thành tích xóa đói giảm nghèo

Việt Nam cùng với 37 quốc gia khác, ngày 16/6 trong buổi lễ ở Italy, đã được FAO vinh danh vì có thành tích trong xóa đói giảm nghèo.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, chiều 16/6, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức Sự kiện đặc biệt “Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm nghèo” cho 38 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Buổi lễ vinh danh này có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và quan chức đại diện của các nước. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu đã tham dự buổi lễ.

Trong số 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo, Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được cả Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1 (MDG1) - giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015, cũng như mục tiêu tương tự nhưng có phần tham vọng hơn được đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực Thế giới (WFS) năm 1996.

Số 17 quốc gia còn lại của nhóm này gồm Armenia, Azerbaijan, Cuba, Djibouti, Gruzia, Ghana, Guyana, Kuwait, Kyrgyzstan, Nicaragua, Peru, Saint Vincent & the Grenadines, Samoa, Sao Tome & Principe, Thái Lan, Turkmenistan và Venezuela.

Tại buổi lễ, Tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva đã phát biểu chính thức ghi nhận các thành tích của 38 quốc gia nói trên trong xóa đói giảm nghèo đồng thời tận tay trao Bằng khen chứng nhận cho đại diện những nước này.

Ông Da Silva cũng kêu gọi các nước đã hoàn thành cũng như chưa hoàn thành MDG1 tiếp tục nỗ lực nhằm loại bỏ tình trạng thiếu đói trên thế giới. Theo ông, những cam kết mạnh mẽ của các khu vực đang hỗ trợ cho nỗ lực của các quốc gia trong xóa đói giảm nghèo.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã thay mặt Việt Nam lên nhận tấm bằng vinh danh do chính Tổng giám đốc FAO trao tặng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu thay mặt Chính phủ Việt Nam đã đánh giá cao những ghi nhận của FAO đối với Việt Nam trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc sớm đạt được MDG1, đồng thời cảm ơn FAO về sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật cũng như đưa ra các chương trình viện trợ khẩn cấp trong xây dựng lại các thể chế, tư vấn chính sách và tăng cường năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng về sản xuất nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức về an ninh lương thực trong bối cảnh dân số gia tăng nhanh chóng và diện tích đất nông nghiệp sụt giảm. Biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững. Trong tình hình đó, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn nữa từ FAO và các cộng đồng quốc tế để duy trì và tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh và để cải thiện đời sống cho người dân.

Theo đánh giá gần đây nhất của FAO, Việt Nam là một trong những nước đã đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% trong giai đoạn 2010- 2012, và như vậy đã đạt được mục tiêu MDG1. Số lượng người bị đói tại Việt Nam đã giảm từ 32,16 triệu người trong giai đoạn 1990-1992 xuống còn 8,01 triệu vào năm 2010-2012, và như vậy Việt Nam cũng đã đạt được mục tiêu đầy tham vọng của WFS.

Sau buổi lễ vinh danh, Đoàn Việt Nam tiếp tục tham dự Khóa họp thứ 38 Đại Hội đồng FAO, diễn ra từ ngày 15 đến 22/6. Những vấn đề được thảo luận tại Khóa họp Đại Hội đồng FAO lần này tập trung vào 5 chủ đề liên quan đến lương thực, phát triển và vai trò của báo chí, bao gồm: “Con đường Thiên niên kỷ - Thành công và thách thức trong cách thức của chúng ta nhằm tiến tới một thế giới không có người đói;” “Châu Phi – Liệu sự bùng nổ kinh tế sắp tới có làm thay đổi mảng nông thôn của châu lục này?; “Sự bền vững – Lương thực đang bị lãnh phí và bị đánh mất trong một thế giới bị đói”; “Giá lương thực – Giỏ hàng đắt đỏ. Khi bánh mỳ và gạo trở thành hàng xa xỉ”; “Vai trò của truyền thông – Việc tham gia đưa tin về ‘câu chuyện đói nghèo’ trong môi trường đa phương tiện”./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục