Liên tiếp trong nhiều năm, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công.
"Sức bật" dòng vốn ngoại này đã đã đưa ngành công nghiệp của tỉnh lớn mạnh không ngừng.
Các nhà đầu tư đánh giá để có những thành công trong thu hút FDI, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp như triển khai hiệu quả hàng loạt các chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, nhanh chóng tập trung quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp giải phòng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, chủ động thành lập các đoàn công tác đi nước ngoài xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại về tỉnh đầu tư sản xuất-kinh doanh.
Vĩnh Phúc cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp.
Tỉnh chỉ đạo quyết liệt tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích hơn 5.700ha. Trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp được phê duyệt, Vĩnh Phúc thu hút được 11 nhà đầu tư xây dựng hạ tầng; trong đó, có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động...
Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI cũng chuyển giao kỹ năng quản lý cho cán bộ lãnh đạo quản lý, giới chuyên môn...người Việt, từng bước thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp, phát triển kỹ năng và tác phong công nghiệp của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm cho người dân.
[Vĩnh Phúc: Khởi công xây cầu Đầm Vạc với tổng vốn đầu tư 612 tỷ đồng]
Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, sau nhiều năm nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư, đến nay Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến tỉnh với nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau; trong đó, không ít doanh nghiệp có năng lực sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn ngân sách cho tỉnh và giải quyết nhiều công ăn việc làm như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Tập đoàn Young Poong...
Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI thì đến hết tháng 8/2018, tỉnh có 305 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD. Đến hết tháng Chín vừa qua, tỉnh đã có 402 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư lên hơn 5,7 tỷ USD.
Sự có mặt của các doanh nghiệp đã giúp kinh tế Vĩnh Phúc luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng bình quân 7,1%/năm, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải tiến, năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm.
Nếu như trong giai đoạn 5 năm, từ 2006-2010 tổng thu ngân sách nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc cả giai đoạn này đạt trên 42.200 tỷ đồng và nguồn thu này đã đánh dấu một sự chuyển biến rất tích cực cho sự phát triển giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách bình quân của tỉnh đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.
Trong các doanh nghiệp FDI đứng chân tại Vĩnh Phúc, có thể khẳng định các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất kinh doanh ôtô, xe máy luôn khẳng định có năng lực mạnh mẽ, đóng góp ngồn lực lớn cho tỉnh. Những năm gần đây, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy đóng góp trên dưới 80% tổng số thu ngân sách cho Vĩnh Phúc.
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói chung ở Vĩnh Phúc đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho trên dưới 90.000 lao động. Công ty Toyota Việt Nam là một doanh nghiệp nhiều năm liền gặt hái thành công trong sản xuất kinh doanh.
Năm 2019 là năm nhiều thách thức với thị trường ôtô song doanh nghiệp này đã xuất xưởng 50.114 xe, doanh số bán hàng đạt mức kỷ lục với 79.326 xe, tăng 22% so với năm 2018, tiếp tục đóng góp gần 1,2 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty xuất xưởng 16.905 xe, doanh số bán hàng của Công ty tính đến hết tháng Sáu vừa qua đạt 25.853 xe, đóng góp gần 350 triệu USD vào ngân sách Nhà nước.
Hầu hết các doanh nghiệp FDI tiêu biểu, trình độ khoa học công nghệ cao có mặt trên địa bàn tỉnh còn có những sự ảnh các ảnh hưởng tích cực, đó là góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho cán bộ lãnh đạo quản lý, giới chuyên môn... người Việt, thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp, phát triển kỹ năng và tác phong công nghiệp của lực lượng lao động...
Chính điều này cũng đòi hỏi giới chuyên môn, cán bộ kỹ thuật, người quản lý, lao động không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thông qua các thực thức học tập... để tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước cũng luôn phải chủ động đầu tư mọi mặt, nhất là công nghệ, nguồn nhân lực mạnh toàn diện, quảng bá thương hiệu và cách thức tiếp cận thị trường để phát triển toàn diện.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác quản lý lao động, phát triển nhà ở công nhân và các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về khu công nghiệp chưa thống nhất, thiếu đồng bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, tiến hành công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng đối với các nhà đầu tư.
Vĩnh Phúc sẽ triển khai các Hội nghị xúc tiến đầu tư, nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hiểu rõ hơn các chính sách đầu tư khi về Vĩnh Phúc tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực.
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng kịp thời và luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc" và "Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”.../.