FPT America: Khẳng định trí tuệ Việt ở thủ phủ công nghệ thế giới

Ở cuộc “viễn chinh” lần thứ hai, những kỹ sư công nghệ thông tin của FPT đã đánh dấu trí tuệ Việt của mình ở đất Mỹ - nơi được xem là thủ phủ công nghệ của toàn cầu…
Với lần thứ 2 trở lại Mỹ, FPT đã thực sự 'bén rễ' tại nơi được xem là thủ phủ công nghệ của toàn cầu. (Ảnh: Vietnam+)
Với lần thứ 2 trở lại Mỹ, FPT đã thực sự 'bén rễ' tại nơi được xem là thủ phủ công nghệ của toàn cầu. (Ảnh: Vietnam+)

Nhận thất bại khi lần đầu “tiến quân” sang Mỹ vào năm 2000 tưởng sẽ làm nhụt nhuệ khí của FPT, nhưng không, họ vẫn âm thầm đeo bám thị trường. Tám năm sau, với cuộc “viễn chinh” lần thứ hai, những kỹ sư công nghệ thông tin Việt đã đánh dấu trí tuệ của mình ở nơi được xem là thủ phủ công nghệ của toàn cầu…

Cú ngã và cuộc tái ngộ sau 8 năm

Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, trào lưu làm phần mềm, xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam vô cùng sôi động. Khi ấy, “anh cả” trong làng công nghệ thông tin Việt Nam có một ý tưởng rất táo bạo: Tiến sang thị trường Mỹ - vốn được biết là nơi có sự hiện diện của rất nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nhất toàn cầu.

Nghĩ là làm, FPT rầm rộ “chiêu binh, điều tướng.” Nhưng Mỹ không phải thị trường dễ tính. Dù binh mạnh, hậu phương vững nhưng FPT sớm nhận thất bại.

“Kéo quân” về nước, FPT tập trung cho thị trường Nhật Bản, lan dần ra các quốc gia khác và gặt hái thành công với nhiều hợp đồng lớn. Tám năm sau, “giấc mơ Mỹ” lại một lần nữa được khơi dậy.

Nhưng đường trở lại Mỹ vẫn hết sức gian nan bởi 2008 là thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra trên diện rộng. Nhưng, FPT không bỏ cuộc, tháng 10 cùng năm, công ty tại Mỹ chính thức được thành lập với tên gọi FPT America. Toàn bộ nhân sự của FPT khi ấy đã phải làm việc không ngừng nghỉ, cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mạnh. Sau đó, họ đã có được hợp đồng đầu tiên trị giá 500.000 USD với Freescale.

Từ “điểm nhấn” Freescale, nhiều doanh nghiệp của Mỹ bắt đầu để mắt tới các kỹ sư công nghệ thông tin Việt. Đường đang thuận thì năm 2011, FPT America vừa đối mặt với sức ép tăng trưởng, vừa có những thay đổi cơ cấu tổ chức, một số nhân sự chủ cốt về Việt Nam. Với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tới năm 2012, chi nhánh đã có những khách hàng lớn, đưa doanh nghiệp nhỏ bé của Việt Nam dần bén rễ tại thị trường khó tính này…

Những bước tiến thần tốc

Trong 13 năm “viễn chinh” ở bên kia nửa bán cầu, một trong những khách hàng khiến người FPT America vất vả nhất khi thương thuyết chính là một tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.

Anh Đặng Trần Phương (hiện là Giám đốc FPT America) cho hay, vào năm 2012, khi còn là Giám đốc một trung tâm phần mềm của FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT), sau nhiều lần trao đổi qua email, anh đáp chuyến bay sang Mỹ tham gia cuộc đàm phán. Trong 10 tiếng đồng hồ bị đối tác “quay” chóng mặt, chàng trai 8x bình tĩnh trả lời đối tác. Kết quả, FPT America đã “ẵm” gói cung ứng phần mềm triệu USD.

[FPT thành lập trung tâm sản xuất phần mềm quốc tế đầu tiên ở châu Mỹ]

Tới 2015, Đặng Trần Phương chính thức chuyển tới làm việc tại FPT America. Ở đây, anh cùng cộng sự mở rộng các dự án với Tập đoàn sản xuất máy bay nói trên và vào năm 2015, đơn vị này chọn công ty là 1 trong 3 nhà cung ứng của một sự án lớn, giá trị 20 triệu USD.

FPT America: Khẳng định trí tuệ Việt ở thủ phủ công nghệ thế giới ảnh 1Đặng Trần Phương, CEO 8x với nhiều quyết định táo bạo của FPT America. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2017, Đặng Trần Phương trở thành “thủ lĩnh” của FPT America. 2018, anh bắt tay mở rộng kinh doanh với phương châm: Thị trường Mỹ không gói gọn trong biên giới của quốc gia này mà mở rộng ra toàn châu lục.” Đây có thể xem là một quyết định cực kỳ táo bạo của CEO trẻ tuổi, bởi lẽ chỉ cần sơ sẩy, FPT America có thể lặp lại lịch sử của 9 năm trước.

Cho dù ai cũng biết “chí lớn không nằm trong ao nhỏ,” nhưng với nhiều người, thậm chí cả người FPT America khi ấy cho rằng việc “vẽ lại bản đồ” là một quyết định “điên rồ” bởi chỉ cần vận hành tốt bộ máy sẵn có, lãnh đạo mới chắc chắn sẽ an toàn với “ghế ngồi” của mình, nhưng Đặng Trần Phương thì không nghĩ vậy. Anh quan điểm FPT America phải mở rộng trung tâm sản xuất ở các nước, tiên phong vận hành phục vụ 24/7 cho thị trường nói tiếng Anh.

Đường đi đã có, Đặng Trần Phương cùng cộng sự quyết tâm ngày đêm chèo lái FPT America vượt nhiều sóng gió. Trái ngọt đã đến với họ khi kỷ niệm 10 năm thành lập, năm 2018, đơn vị này ghi nhận doanh số tăng trưởng 34%. Số lượng văn phòng tăng lên, nhân sự từ 80 lên tới 245 người…

Nếu tính trong vòng bốn năm qua, FPT America đã có những bước tiến thần tốc. Đơn vị này đã tiến hành thương vụ mua lại Intellinet Consulting (Mỹ) – công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ, mở văn phòng mới tại Hyderabad - thủ phủ công nghệ lớn nhất của Ấn Độ, hay việc mua lại công ty công nghệ Intertec tại Costa Rica...

Đặc biệt, doanh số của FPT America đã tăng tới 3 lần, từ 51 triệu USD vào năm 2017 tới gần 124 triệu USD trong năm 2020; nhân sự hơn 400 người, trong đó 314 người làm việc ở Mỹ và 90 người làm việc tại các trung tâm dịch vụ gần Mỹ. Tại xứ cờ hoa, nhân sự của FPT America có mặt ở 25 bang, 6 văn phòng ở Mỹ cùng mạng lưới các văn phòng và trung tâm sản xuất tại Canada, Ấn Độ, Philippines, Costa Rica, Columbia…

[FPT Software hướng tới xây dựng trung tâm sản xuất quốc tế tại Ấn Độ]

Về khách hàng, hiện FPT America đã trở thành đối thủ lớn với nhiều công ty công nghệ. Họ đã có trong tay hơn 100 khách hàng, trong đó 30 khách trong danh sách Fortune Global 500.

“Chúng tôi từng vượt qua 193 doanh nghiệp để thống nhất nền tảng bán hàng xe hơi cho Cox Automotive – công ty kinh doanh ô tô lớn nhất nước Mỹ có doanh thu 7 tỷ USD.” CEO Đặng Trần Phương hào hứng chia sẻ.

“Tô đậm” trí tuệ Việt

Trong hành trình 33 năm của mình, với những ý tưởng “siêu dị” và niềm tin sắt đá, FPT đã trở thành một “ông lớn” công nghệ trong nước, đem trí tuệ Việt đánh dấu trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Và cùng với FPT Japan, FPT America là đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn của tập đoàn tại thị trường nước ngoài.

Nhìn những bước tiến mạnh mẽ ấy, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình hào hứng tin rằng: “Tới năm 20 tuổi, FPT America sẽ đuổi kịp thị trường Nhật Bản.”

Thế nhưng, CEO Đặng Trần Phương lại đặt mục tiêu lớn hơn: Từ tuổi 13 đến 3 năm nữa, 2024, FPT America quyết tâm trở thành thị trường lớn nhất với doanh thu 499 triệu USD, đóng góp vào 1/2 doanh thu của FPT Software.

Để đạt được điều ấy, CEO Đặng Trần Phương đã và đang đẩy mạnh phát triển hàng hoạt các trung tâm phần mềm nearshore (dịch vụ ủy thác trong khu vực cho phép của bên đặt hàng) tại châu Á và châu Mỹ. Cụ thể, FPT Amerrica đặt mục tiêu gấp ba lần nguồn nhân lực tại Ấn Độ, gấp hai lần ở Philippines. Riêng tại châu Mỹ, FPT Canada cũng được thúc đẩy tăng trưởng doanh thu lên 100%; FPT America cũng thành lập trung tâm phần mềm nearshore đầu tiên tại Thủ đô San José của Costa Rica, mở văn phòng mới ở Houston, tăng sức mạnh cho mảng năng lượng (xăng dầu và gas), mở trung tâm dịch vụ tại Brazil…

FPT America: Khẳng định trí tuệ Việt ở thủ phủ công nghệ thế giới ảnh 2FPT America quyết tâm trở thành thị trường lớn nhất với doanh thu 499 triệu USD, đóng góp vào 1/2 doanh thu của FPT Software. (Ảnh: Vietnam+)

Trong suốt những thành công đã qua, Đặng Trần Phương luôn đề cao vai trò của các cộng sự. Anh bảo, mình may mắn có những đồng nghiệp thông minh, chăm chỉ, chu đáo để thuyết phục khách hàng. Tại FPT America, yếu tố con người luôn đặt làm trung tâm trong mọi hoạt động. Sức mạnh nhân lực của FPT America chính là sự cộng hưởng của nhân tài người Việt được cử sang làm việc, từ Việt kiều tại Mỹ và cả những người bản địa. Trong suốt 13 năm qua, bên cạnh nâng cao năng lực FPT America luôn chú trọng tới đời sống của nhân viên. Đơn vị này đã lập làng FPT tại Mỹ, giúp nhân viên mua nhà, con cái được đi học tiếng Việt, duy trì văn hóa Việt Nam; tạo điều kiện giúp nhân viên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất có thể…

Rõ ràng mục tiêu của FPT America đặt ra là vô cùng táo bạo. Thế nhưng, đường đi do khai mở mà có, nếu không có định hướng, ắt chẳng bao giờ người ta tới đích.

Và tôi tin, CEO Đặng Trần Phương và cộng sự sẽ vững vàng rẽ sóng, để cùng các doanh nghiệp khác tô đậm trí tuệ Việt trên bản đồ công nghệ toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục