G20 vẫn “bơm” hơn 140 tỷ USD cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước nghèo

Theo ước tính của nhóm Oil Change International và nhóm Friends of the Earth US, trong 3 năm kể từ năm 2020-2022, riêng nhóm G20 đã đầu tư 142 tỷ USD vào các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Thu nhặt than đá tại một khu mỏ ở ngoại ô Dhanbad, Ấn Độ ngày 6/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thu nhặt than đá tại một khu mỏ ở ngoại ô Dhanbad, Ấn Độ ngày 6/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nghiên cứu công bố ngày 9/4 cho thấy các quốc gia thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tiếp tục đầu tư cho các hoạt động phát triển nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia nghèo, bất chấp những cam kết về khí hậu.

Theo ước tính của nhóm vận động Oil Change International (OCI) và nhóm Friends of the Earth US, trong 3 năm kể từ năm 2020 đến năm 2022, riêng nhóm G20 đã đầu tư 142 tỷ USD vào các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Trong đó, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu về khoản đầu tư.

Năm 2022, Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7), trong đó có Nhật Bản và Canada là hai quốc gia thành viên, cam kết sẽ ngừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi nguồn tài trợ cho than giảm, các dự án dầu khí tiếp tục nhận được hỗ trợ đáng kể.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng Nhật Bản đã tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài cho đến giữa tháng 3/2024. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về tính chân thực của cam kết, cũng như đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các cơ chế giám sát.

Theo thống kê, trong 3 năm vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cung cấp khoản tài trợ khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm cho ngành nhiên liệu hóa thạch, trong đó khoảng 2/3 số tiền được phân bổ cho các dự án khí đốt.

Mặt khác, trong cùng khoảng thời gian này, các quốc gia G20 cũng đã đầu tư khoảng 104 tỷ USD vào các sáng kiến năng lượng sạch ở nước ngoài.

Các nhà hoạt động về môi trường trên thế giới cũng đang kêu gọi các quốc gia giàu có ưu tiên chuyển đổi sang khai thác năng lượng sạch và giảm dần nguồn tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục