G8 ra tuyên bố chung về những vấn đề toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh G8 ra tuyên bố chung đề cập tới các vấn đề liên quan đến chống đói nghèo, biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu.
Sau hai ngày họp tại Huntsville, phía Bắc thành phố Toronto, Canada, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga và Mỹ, đã bế mạc với tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề liên quan đến chống đói nghèo, an ninh lương thực, hòa bình và an ninh toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G8 thừa nhận cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa việc thực hiện các mục tiêu về giảm một nửa số người nghèo đói trên thế giới vào năm 2015.

Hội nghị nhấn mạnh các mục tiêu về giảm đói nghèo, được các nhà lãnh đạo hơn 150 nước đề ra năm 2000, là "trách nhiệm chung" của các nước và cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo đạt được các mục tiêu này tại châu Phi.

Hội nghị kêu gọi các nước đang phát triển "thể hiện trách nhiệm cơ bản đối với vấn đề phát triển kinh tế-xã hội và quản trị tốt, vì lợi ích của chính người dân."

Các nhà lãnh đạo G8 cho biết họ vẫn giữ cam kết viện trợ cho những nước nghèo nhất thế giới, nhưng không đưa ra thời gian và số tiền cụ thể.

Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh an ninh lương thực vẫn là một thách thức toàn cầu và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do vấn đề biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.

Các nhà lãnh đạo G8 cho rằng chỉ viện trợ thôi chưa đủ để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, mà cần đầu tư hơn nữa vào các nước nghèo ,và các dự án đầu tư cần được thực hiện có trách nhiệm.

Tuyên bố kêu gọi Ngân hàng thế giới (WB) và các cơ quan lương thực toàn cầu đưa ra những chỉ dẫn về đầu tư đất nông nghiệp quốc tế, giám sát các thỏa thuận từng dẫn tới những cáo buộc rằng các nước giàu có hơn đang chiếm đoạt đất đai.

Tuyên bố cũng coi việc đối phó với biến đổi khí hậu là "mối quan tâm thường trực" và khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các cuộc thương lượng của Liên hợp quốc về một hiệp ước biến đổi khí hậu mới toàn diện, công bằng, hiệu quả và có tính chất ràng buộc với tất cả các nước, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm tương xứng của các nền kinh tế lớn trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Liên quan đến vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G8 hoan nghênh hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) giữa Mỹ và Nga nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước, song cảnh báo rằng phổ biến hạt nhân giữa các nước và các nhóm khủng bố vẫn là hiểm họa nghiêm trọng.

Các nhà lãnh đạo G8 kêu gọi Iran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên chấm dứt "các động thái đe dọa an ninh quốc tế."

Tuyên bố của hội nghị bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Tehran tiếp tục mở rộng các hoạt động làm giàu urani, trong đó có việc làm giàu urani lên mức gần 20%, đồng thời khẳng định nhóm này vẫn duy trì các cuộc đối thoại với giới chức Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo dự hội nghị cũng hối thúc Israel và Palestine tiến hành đàm phán trực tiếp, nêu rõ các điều kiện ở Dải Gaza dưới sự phong tỏa của Israel là "không thể kéo dài và cần phải thay đổi."

Tuyên bố cũng khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn các nỗ lực của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nhằm kiến tạo một thỏa thuận hòa bình với các nhân tố ôn hòa của phe Taliban, đồng thời cho rằng cuộc bầu cử quốc hội minh bạch và tin cậy hơn vào tháng Chín tới sẽ đánh dấu một bước tiến đối với nền dân chủ ở Afghanistan.

Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy tuyên bố hội nghị thượng đỉnh G8 tiếp theo sẽ được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Nice ở Đông Nam nước Pháp.

Pháp sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên G8 từ ngày 1/1/2011 và cũng sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20 sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul (Hàn Quốc) trong hai ngày 12-13/11/2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục