G8 sẽ tăng ngân sách nghiên cứu về chứng mất trí

Tại hội nghị về chứng mất trí do G8 tổ chức, đại diện các nước cam kết tăng ngân sách cho công tác nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới cho bệnh này.
G8 sẽ tăng ngân sách nghiên cứu về chứng mất trí ảnh 1Số người mắc chứng mất trí trên thế giới ngày càng tăng lên. Ảnh minh họa. (Nguồn: nuffieldbioethics.org)

Tại hội nghị về chứng mất trí do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) tổ chức ở Anh ngày 11/12, đại diện các nước tham gia đã cam kết tăng ngân sách cho công tác nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này vào năm 2025.

Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng y tế thuộc nhóm G8 tuyên bố sẽ đưa ra một kế hoạch hành động mang tầm quốc tế để thu hẹp khoảng cách giữa công tác nghiên cứu và cách thức điều trị chứng mất trí trên thực tế.

Các nước G8 cũng kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận chứng mất trí là "mối đe dọa ngày càng lớn đối với ngành y tế toàn cầu" và giúp đỡ các nước trên thế giới đối phó với căn bệnh này.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước này sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho công tác nghiên cứu về chứng mất trí từ 66 triệu bảng trong năm 2015 lên 122 triệu bảng vào năm 2025.

Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu Y tế (MRC) cũng sẽ dành ra 50 triệu bảng để cải thiện các phương pháp điều trị và làm chậm sự phát triển của căn bệnh này trong vòng 5 năm tới.

Theo ông Cameron, chứng mất trí đang làm ảnh hưởng đến 820.000 người ở Anh và khiến cho nền kinh tế nước này tổn thất 23 tỷ bảng, tức là nhiều hơn so với bệnh ung thư và bệnh tim gây ra.

Kể từ năm 2003 đến nay, thế giới chưa tìm ra phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này, trong khi các phương pháp điều trị hiện nay chỉ mang lại hiệu quả khiêm tốn. Số liệu của WHO cho thấy hiện trên thế giới có khoảng 44 triệu người mắc chứng mất trí và con số này được dự báo sẽ tăng gấp ba lên 135 triệu người vào năm 2050.

Trong năm 2010, tổng chi phí để điều trị căn bệnh này ước tính lên tới 604 tỷ USD, trong đó 70% là ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, gần 60% số người mắc chứng mất trí đang sống ở các nước đang phát triển và điều này làm gia tăng áp lực lên dịch vụ y tế và ngân sách của những nước này khi dân số ngày càng gia tăng và bị lão hóa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục