Gần 15.000 sinh viên được đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp POHE

Được triển khai từ năm 2006, sau 10 năm, đến nay đã có 15.000 sinh viên được đào tạo theo các chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE.
Gần 15.000 sinh viên được đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp POHE ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Được triển khai từ năm 2006, sau 10 năm, đến nay đã có 15.000 sinh viên được đào tạo theo các chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE. Trong số này có hơn 4.800 sinh viên đã tốt nghiệp và hơn 10.000 sinh viên đang theo học.

Đây là số liệu được ban quản lý dự án đưa ra tại buổi tập huấn nhân rộng mô hình dự án, diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4, tại Hà Nội.

Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE được hình thành và phát triển tại Việt Nam từ một dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ. 

Mục tiêu của dựa án là cung cấp các chương trình đào tạo đại học có sự liên kết chặt chẽ với thị trường lao động, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. 

Chương trình đạo tạo được phát triển dựa trên hồ sơ nghề nghiệp, hồ sơ năng lực với sự tham gia của bên sử dụng lao động, có tham khảo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Dự án được áp dụng thí điểm trong 8 trường đại học, gồm Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Thái Nguyên), Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Nông lâm (Đại học Huế), Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Từ 10 chương trình đào tạo ban đầu, đến nay, đã có 49 chương trình đào tạo trong POHE ​ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, sư phạm, kỹ thuật, quản lý và kinh doanh. Dự án cũng đã xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng giảng viên theo định hướng giáo dục ứng dụng và hỗ trợ thành lập 5 trung tâm bồi dưỡng giảng viên POHE.

Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ nhưng đòi hỏi của nền kinh tế, xã hội ngày càng cao hơn trong xu thế hội nhập quốc tế. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và thị trường lao động nói chung cần nguồn lực lao động không chỉ có kiến thức chung mà phải có kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành, tác phong, thái độ làm việc chuyên nghiệp. 

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án POHE, bà Phụng cho rằng Dự án đã hỗ trợ đáng kể cho giáo dục đại học của Việt Nam trong việc gắn đào tạo với thực tiễn, thông qua việc phát triển các chương trình đào tạo.

“Việc chia sẻ những kết quả, tài liệu của dự án đến các trường đại học sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc phát triển chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng,” bà Phụng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục