Thống kê của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, về công tác quan trắc môi trường lao động, hiện đã có hơn 6.000 cơ sở được quan trắc hàng năm.
Theo báo cáo từ Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, trong giai đoạn 2011-2017, số mẫu quan trắc môi trường lao động được thực hiện là hơn 2,4 triệu mẫu.
Đáng lưu ý, có tới 80-90% số cơ sở lao động chưa thực hiện quy định này hoặc thực hiện quan trắc không đầy đủ đối với các yếu tố có hại, có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, các nội dung còn tồn tại tập trung chủ yếu trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là tổ chức hoạt động của Hội đồng bảo hộ lao động; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được triển khai đồng đều, chưa đi vào chiều sâu.
Bên cạnh đó, vẫn còn những thiếu sót trong công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản chất thải y tế tại các cơ sở y tế; công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động, đặc biệt là người lao động được giao nhiệm vụ vận hành máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…
Trong tổng số hơn 6.000 cơ sở lao động, hiện mới có 218 đơn vị công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động trên toàn quốc.
Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam hiện có gần 28.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Cùng với xu thế phát triển của xã hội, ngày càng nhiều ngành nghề mới có tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các yếu tố gây nên bệnh ở phổi, phế quản.
Trong tổng số 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế thì bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca. Tiếp theo là bệnh đường hô hấp chiếm 32%; sau đó là bệnh do tiếng ồn chiếm 17%./.