Gắn kết bền chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào

Trong chiến tranh cũng như thời bình, tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào luôn được tăng cường, mở rộng, gắn kết bền chặt bằng nhiều việc làm cụ thể, hỗ trợ thiết thực về mọi mặt.
Gắn kết bền chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Chủ tịch nước Lào Phankham Viphavan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong chiến tranh cũng như thời bình, tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào luôn được tăng cường, mở rộng, gắn kết bền chặt bằng nhiều việc làm cụ thể, hỗ trợ thiết thực về mọi mặt. Với tỉnh Kon Tum, địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Lào, nhiều năm qua, mối quan hệ giữa tỉnh và các tỉnh Nam Lào luôn được giữ vững, phát triển thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ, hợp tác, nhất là giáo dục.

Những năm gần đây, du học sinh Lào đến với tỉnh Kon Tum học tập ngày cành nhiều và luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất. Các em được tỉnh Kon Tum hỗ trợ 100% về chi phí ăn, ở, đi lại, trong học tập và nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các bạn sinh viên Việt Nam, các thầy cô giáo.

Nhiều du học sinh đang theo học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum đã hơn 9 tháng, sự bỡ ngỡ, lạ lẫm ngày đầu mới sang Việt Nam nay đã không còn. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên Việt Nam, các em du học sinh Lào nay đã nói thành thạo tiếng Việt, am hiều nhiều nét văn hóa, nhất là văn hóa, nếp sống của người dân Kon Tum… Nhiều du học sinh Lào đã có dự định cho tương lại sau 1 năm học tiếng Việt.

Em ỐtSăVăn KẹoNăSắc (20 tuổi), đến từ tỉnh Attapư đã học ở Việt Nam được 9 tháng. Cảm nhận của ỐtSăVăn KẹoNăSắc là các bạn sinh viên Việt Nam rất thân thiện, vui vẻ, nhiệt tình, không chỉ giúp em trong học tập mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, em quen dần với cuộc sống nơi đây, tự tin hơn khi giao tiếp với người Việt Nam. Sau 1 năm học tiếng Việt, ỐtSăVăn KẹoNăSắc sẽ tiếp tục theo học tại Trường Đại học Đà Nẵng- phân hiệu Kon Tum.

Nhiều nét văn hóa bản địa tại tỉnh Kon Tum cũng được sinh viên Việt Nam giới thiệu đến du học sinh Lào. Chính sự gắn kết, giao lưu giữa hai nền văn hóa với nhau đã giúp các em gần gũi, cởi mở và hòa đồng hơn.

Em Linđa Thêpsômbănđit (17 tuổi) đến từ tỉnh Attapư chia sẻ: Ngoài những giờ học tập trên lớp, em và các bạn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa cùng các sinh viên Việt Nam cũng như tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân, thưởng thức nhiều nét văn hóa độc đáo, nhất là cồng chiêng. Đặc biệt, nhiều du học sinh Lào rất thích thú với ẩm thực Việt Nam, nhất là các món cơm ống tre (cơm lam), gà nướng, gỏi lá...

Trong năm học 2016- 2017, tỉnh Kon Tum hỗ trợ đào tạo 21 du học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, hỗ trợ toàn bộ kinh phí học tập. Có 52 du học sinh Lào đang học tại Đại học Đà Nẵng, phân hiệu tại Kon Tum (kinh phí tự túc). Dù theo diện đào tạo nào, các du học sinh Lào sang học tại tỉnh Kon Tum đều được hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các em học tập tốt, hoàn thiện bản thân...

Thầy Nguyễn Văn Giang, Trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho các du học sinh Lào, nhà trường đã trực tiếp tiếp nhận, hoàn tất các thủ tục cần thiết. Các du học sinh Lào được sắp xếp ở khu ký túc xá, có nấu ăn cho các em.

Ngoài ra, trường hỗ trợ phương công nghệ thông tin, phòng máy tính; thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt kết nghĩa với sinh viên Việt Nam thông qua các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa… Nhờ đó, sau thời gian ngắn, du học sinh Lào đã tự tin, hòa đồng với các em sinh viên Việt Nam.


[Lãnh đạo Lào đánh giá cao vai trò của Hội Hữu nghị Việt​-Lào]

Những ngày này, cả nước ta long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962- 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào (18/7/1977- 18/7/2017). Với tỉnh Kon Tum, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào nói riêng.

Trong 5 năm qua, Kon Tum đã hỗ trợ 75 du học sinh Lào tại các trường trung cấp, cao đẳng, phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Ngoài ra, tỉnh đã cử 1 giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ công chức tại tỉnh Attapư (năm 2015-2016, 1 giáo viên sang dạy tiếng việt tại Trường Hữu nghị Việt Nam- Lào tỉnh Sê Kông (thời gian từ 2011- 2013)…

Có thể thấy, dù trong thời chiến hay thời bình, tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Lào luôn được vun đắp, phát triển bền chặt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Việt- Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục