Ngày 16/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức buổi gặp gỡ với các trí thức Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản nhằm tìm giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chào mừng các đại diện cho trí thức Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản đã tới dự cuộc gặp mặt này.
Đại sứ cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp thu các công nghệ tiên tiến của thế giới để đẩy nhanh “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước.
Đại sứ hy vọng cuộc gặp mặt trao đổi ý kiến lần này sẽ giúp kết nối chặt chẽ cộng đồng các chuyên gia Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, góp phần thúc đẩy đưa các kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản về phục vụ đất nước.
Ông Vũ Ngọc Minh, Bí thư thứ nhất phụ trách bộ phận khoa học và công nghệ Đại sứ quán đã phát biểu về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, chính sách ưu tiên thu hút nguồn chất xám và công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực và thu hút các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.
Giáo sư Trần Văn Thọ, giảng viên trường Đại học Waseda, cho rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực phong phú, có tiềm năng để phát triển trên nhiều lĩnh vực. Do đó, Việt Nam có thể hợp tác chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ trong nhiều lĩnh vực với Nhật Bản.
Hiện Nhật Bản mặc dù là một trong những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam, nhưng tổng vốn đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế của Nhật Bản.
Để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư và công nghệ từ Nhật Bản, Giáo sư Thọ cho rằng Việt Nam cần cải thiện chính sách thút hút đầu tư và môi trường đầu tư, nếu chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đem các công nghệ tiên tiến, phù hợp tới Việt Nam.
Tiến sĩ Hồ Tú Bảo, hiện công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, kiến nghị để thu hút nguồn chất xám từ Nhật Bản, trong đó có các nhà khoa học, kỹ sư giỏi người Việt từng tu nghiệp tại Nhật Bản, nhà nước cần xây dựng môi trường làm việc tốt để họ có thể áp dụng và phát huy những kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã tiếp thu được.
Ngoài ra, Giáo sư Bảo cho rằng cần chú trọng tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư giỏi cần thiết cho tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Các giảng viên và nhân viên kỹ thuật trẻ đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng sôi nổi đóng góp ý kiến về xây dựng cơ chế hợp tác khoa học, kỹ thuật phù hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có cơ chế hợp tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước dưới sự bảo trợ của chính phủ./.