GAVI thiết lập công cụ tiếp cận nguồn tài trợ để ứng phó các đại dịch

GAVI đã triển khai một loạt công cụ để có thể nhanh chóng tiếp cận được nguồn tiền tài trợ của các nước, qua đó tiếp tục thực hiện các cam kết và bắt đầu chi tiêu cho việc mua vaccine.
GAVI thiết lập công cụ tiếp cận nguồn tài trợ để ứng phó các đại dịch ảnh 1Nhân viên chuyển lô vaccine ngừa COVID-19 được viện trợ theo chương trình COVAX tại Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/9, Tổng Giám đốc Liên minh vaccine toàn cầu GAVI Seth Berkley thông báo đã thiết lập các công cụ tài chính cho phép nhóm này tiếp cận ngay nguồn tiền tài trợ đã được cam kết trong trường hợp cần mua vaccine để ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Trao đổi với báo giới, ông Berkley cho biết trong năm 2020 và 2021, GAVI đã gặp khó khăn khi mua vaccine phòng bệnh COVID-19. Lý do là bởi các nhà tài trợ đã cam kết 2,4 tỷ USD nhưng liên minh này chỉ có 400 triệu USD tiền mặt.

Do đó, GAVI đã triển khai một loạt công cụ để có thể nhanh chóng tiếp cận được nguồn tiền tài trợ của các nước, qua đó tiếp tục thực hiện các cam kết và bắt đầu chi tiêu cho việc mua vaccine.

[Bước tiến lớn trong việc thu hẹp khoảng cách tiêm vaccine COVID-19]

GAVI và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã điều hành chương trình COVAX toàn cầu nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo trên thế giới.

COVAX đã cung cấp hơn 1,72 tỷ liều vaccine cho 146 quốc gia.

Tuy nhiên, ông Berkley cho biết GAVI đã phải chật vật để đảm bảo có đủ vaccine phân phối trong nửa đầu năm 2021, bởi một số quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi và Vương quốc Anh siết chặt nguồn cung vaccine được sản xuất trong nước.

Ông cho rằng để ứng phó với các đại dịch trong tương lai, điều quan trọng là phải tăng và đa dạng hóa số lượng các địa điểm sản xuất vaccine, với mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất ở các nước nhỏ hơn như Singapore và Rwanda.

Cũng theo ông Berkley, sản lượng vaccine ngừa COVID-19 được cải thiện đã dẫn đến tình trạng dư thừa vaccine năm nay.

Từ tháng 6, COVAX đã đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để cắt giảm hoặc trì hoãn việc cung cấp 400-600 triệu liều.

COVAX hiện đã có sẵn 300-400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 nếu các quốc gia cần thêm nguồn cung cấp.

Tuy nhiên, ông cho biết các cuộc thương lượng trên vẫn chưa hoàn tất, lưu ý rằng quá trình này có thể mất "vài tuần đến vài tháng" bởi một số nhà sản xuất tỏ ra sẵn sàng trong khi một số khác thì ngược lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục