GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72% nhờ đóng góp lớn từ khu vực dịch vụ

Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 36,6%, dịch vụ chiếm 43,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,8%.
GDP tính chung 6 tháng đầu năm đã tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
GDP tính chung 6 tháng đầu năm đã tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Như vậy, GDP tính chung 6 tháng đầu năm đã tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê được công bố ngày 29/6, trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%, đóng góp 9,3%. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,1%, đóng góp 11,8%.

[Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vẫn còn ‘ì ạch’]

Riêng khu vực dịch vụ tăng mạnh 6,3%, đóng góp 78,9%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường, như bán buôn và bán lẻ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,1%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,1%.

Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,6%, khu vực dịch vụ chiếm 43,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,8% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,2%; 38%; 41,9%; 8,9%).

Về sử dụng GDP 6 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tích lũy tài sản tăng 1,2%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10%, song nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,2%.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới trong 6 tháng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga-Ukraine kéo dài. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, song Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Bình diện chung, nhiều nền kinh tế lớn (trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam) đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,2 đến 1 điểm phần trăm. Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Philipine là 6% và Indonesia 4,8%, Malaisia 4,7%, Thái Lan 3,3%, Singapore 2% và Việt Nam 6,5%.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Trên cơ sở đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê đánh giá nhìn chung kinh tế-xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục