Giá dầu tại châu Á tăng do kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất

Theo chuyên gia Benjamin Lu thuộc Phillip Futures tại Singapore, lãi suất ở Mỹ giảm sẽ “hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giúp gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu” trong nửa cuối năm.
Giá dầu tại châu Á tăng do kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ảnh 1Bơm xăng cho các phương tiện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 30/7, giá dầu châu Á đảo chiều tăng lên trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng trong tuần này Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, qua đó giúp tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nền kinh tế số một thế giới này.

Vào lúc 13 giờ 51 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 46 xu Mỹ (0,7%) lên 64,17 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 41 xu Mỹ (0,7%) lên 57,28 USD/thùng. Dầu WTI đã tăng 1,2% trong phiên trước đó.

Chuyên gia Benjamin Lu thuộc Phillip Futures tại Singapore cho rằng lãi suất ở Mỹ giảm sẽ “hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giúp gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu” trong nửa cuối năm nay.

[Giá dầu thế giới tăng nhẹ sau những diễn biến về xung đột Mỹ-Iran]

Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiến hành cuộc họp trong hai ngày 30-31/7 và Fed được dự báo sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập niên trước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng mức cắt giảm lãi suất nhẹ của Fed là chưa đủ.

Kinh tế của Mỹ trong quý 2 vừa qua tăng trưởng mạnh hơn dự báo, qua đó làm gia tăng triển vọng đối với tiêu thụ dầu mỏ. Tuy nhiên, một vài số liệu kinh tế khác gây thất vọng của Mỹ lại làm tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm hơn của nền kinh tế này.

Trong khi đó, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi thỏa thuận "đình chiến" đạt được tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng trước.

Ngoài ra, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi yếu tố rủi ro nguồn cung do căng thẳng tại Eo biển Hormuz, “hành lang” trung chuyển của khoảng 20% lượng dầu trên thế giới, vẫn ở mức cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục