Giá dầu tăng cao khi hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Trung Đông giảm dần

Tại phiên chiều 9/4, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 14 xu Mỹ lên 90,52 USD/thùng vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 10 xu Mỹ lên 86,53 USD/thùng.

Một nhà máy lọc dầu tại Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một nhà máy lọc dầu tại Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Căng thẳng Trung Đông tiếp sức cho giá dầu

Giá dầu đi lên trong chiều 9/4, khi hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza xa dần và xuất hiện những lo ngại tình hình xung đột kéo dài sẽ làm gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 14 xu Mỹ lên 90,52 USD/thùng vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 10 xu Mỹ lên 86,53 USD/thùng.

Một vòng thảo luận mới về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Cairo của Ai Cập đã khép lại đợt tăng giá kéo dài nhiều phiên trong ngày 8/4. Diễn biến đó khiến dầu Brent giảm lần đầu tiên sau 5 phiên và WTI giảm lần đầu tiên trong 7 phiên, khi những rủi ro địa chính trị có thể dịu bớt.

Tuy nhiên, thông tin Israel có thể mở chiến dịch quân sự ở Rafah, nơi hơn 1,5 triệu dân thường Palestine đang trú ẩn đã làm tiêu tan hy vọng mới nhen nhóm này.

Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết những rủi ro địa chính trị đang hỗ trợ giá dầu. Các yếu tố cơ bản của thị trường cũng hỗ trợ giá “vàng đen.”

Số liệu hôm 8/4 cho thấy nhu cầu nhiên liệu của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục trong năm tài chính 2024 do mức tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay cao hơn. Sự cải thiện trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc gần đây cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.

Tuần này, thị trường sẽ theo dõi dữ liệu lạm phát từ Mỹ và Trung Quốc để có thêm tín hiệu về định hướng kinh tế của hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Vàng dao động gần mức cao kỷ lục trước khi Fed công bố biên bản họp

Giá vàng tăng vào chiều 9/4, dao động gần mức đỉnh ghi nhận trong phiên trước và được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương. Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên mức 2.345,09 USD/ounce vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.353,79 USD/ounce vào ngày 8/4.

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,5% lên 2.363,50 USD/ounce.

Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới đầu tư KCM Trade, cho biết vàng đang được ưa chuộng trên thị trường tài chính, với hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và dòng chảy đầu cơ thường xuyên đẩy giá lên mức cao hơn.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu lạm phát của nước này để tìm những tín hiệu mới về chính sách của ngân hàng trung ương này.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng Ba của Fed và báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ cùng được công bố vào thứ Tư (10/4 theo giờ địa phương). Sau báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ vào thứ Sáu tuần trước (5/4), thị trường đã giảm kỳ vọng về số đợt Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay xuống còn hai.

Cách đây vài tuần, kỳ vọng này là từ ba tới bốn lần. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất cao sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 27,90 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,8% lên 975,60 USD/ounce. Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ phiên 9/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 82,30-84,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

ttxvn_gia vang1.jpg
Một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội.( Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm

Chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong chiều 9/4 khi thị trường dành sự chú ý cho số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ. Phiên này, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ đồng yen yếu hơn và đang tiến gần đến mức 152 yen đổi 1 USD - ngưỡng có thể buộc Chính phủ Nhật Bản can thiệp.

Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 1,08% (tương đương 426,09 điểm) và khép phiên ở mức 39.773,13 điểm. Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,57% (95,22 điểm) lên 16.828,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải nhích 0,05% (1,48 điểm) và kết thúc ở mức 3.048,54 điểm. Các thị trường Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok cũng nằm trong vùng dương, nhưng Seoul và Wellington lại trượt dốc.

Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong tháng Một và tháng Hai vừa qua, thị trường việc làm khả quan và nền kinh tế rất khỏe mạnh, giới giao dịch đã thường xuyên điều chỉnh dự báo của họ về việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay ra sao. Một số thậm chí còn dự tính ngân hàng trung ương này sẽ không cắt giảm lãi suất trước năm 2025.

Chuyên gia Stephen Innes tại công ty quản lý đầu tư SPI Asset Management cho biết giới đầu tư háo hức chờ đợi báo cáo CPI này với hy vọng có thêm thông tin chi tiết về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.

Vấn đề là một bộ phận lớn trong cộng đồng thậm chí còn đặt cược vào khả năng Fed không cắt giảm lãi suất trong năm nay, gia tăng sự bất ổn cho triển vọng thị trường.

Chuyên gia Chris Larkin của nền tảng giao dịch điện tử E*Trade thuộc ngân hàng Morgan Stanley cũng nói rằng trong khi Fed không muốn quá chú tâm vào số liệu lạm phát cao hơn dự kiến trong nhiều tháng liên tiếp, tháng tăng thứ ba đối với CPI có thể khiến họ thay đổi quan điểm.

Theo hãng tin Bloomberg News, các nhà đầu tư hiện đang mong đợi mức cắt giảm khoảng 60 điểm cơ bản trong năm nay - tương đương chỉ có hai lần cắt giảm.

Khả năng Fed có ba lần cắt giảm lãi suất là dưới 50%. Tại thị trường trong nước, khép phiên 9/4, chỉ số VN-Index tăng 12,47 điểm (1,00%) lên 1.262,82 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,28 điểm (0,96%) lên 240,36 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục