Giá dầu và giá vàng thế giới biến động trái chiều trong phiên 27/7

Giá dầu Brent đã có lần giảm đầu tiên trong sáu ngày qua, xuống 74,48 USD/thùng; trong khi đó giá vàng thế giới tăng lên gần ngưỡng chủ chốt là 1.800 USD/ounce.
Giá dầu và giá vàng thế giới biến động trái chiều trong phiên 27/7 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch 27/7 do các nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu toàn cầu có thể sụt giảm do các ca mắc COVID-19 tăng mạnh mặc dù nguồn cung đang thắt chặt và tỷ lệ tiêm chủng tăng.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2 xu Mỹ xuống 74,48 USD/thùng. Đây là lần giảm đầu tiên đối với giá dầu Brent trong sáu ngày qua. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 26 xu Mỹ (0,4%) xuống 71,65 USD/thùng.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/7 và dự trữ xăng giảm 6,2 triệu thùng.

Trong khi đó, các nhà phân tích do hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) thăm dò ý kiến ước tính dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 2,9 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 23/7.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu của Mỹ trong ngày 28/7.

[Giá dầu thế giới lên hơn 4% nhờ dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng]

Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm Price Futures Group ở Chicago (Mỹ), lúc này dường như biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang "kìm hãm" thị trường dầu mặc dù tất cả dấu hiệu hiện tại đều cho thấy nguồn cung bị thắt chặt đáng kể.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nâng triển vọng đối với các nền kinh tế giàu nhưng lại hạ dự báo đối với các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng.

Giá vàng thế giới biến động nhẹ

Giá vàng thế giới tăng lên gần ngưỡng chủ chốt là 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch 27/7, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Tuy vậy, biên độ tăng của giá vàng vẫn bị hạn chế bởi tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.800,46 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn gần như đi ngang ở mức 1.799,8 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD giảm 0,3% trong phiên này. Ngoài ra, lợi suất của trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) kỳ hạn 10 năm cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, càng làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Giá kim loại quý này đã biến động trong phạm vi khá hẹp những tuần gần đây, sau khi vượt qua mức 1.830 USD/ounce trong một thời gian ngắn, không tận dụng được việc lợi suất trái phiếu Mỹ ở mức thấp.

Giá dầu và giá vàng thế giới biến động trái chiều trong phiên 27/7 ảnh 2Vàng trang sức được bày bán tại một cửa hàng ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại nhà cung cấp dịch vụ tài chính TD Securities, có trụ sở tại Toronto (Canada), cho biết lợi nhuận mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán đã cản trở dòng vốn chảy vào vàng. Theo ông Melek, những diễn biến kinh tế tiêu cực trước mắt có thể sẽ lại đẩy giá vàng lên cao.

Các nhà đầu tư đang theo dõi cách Fed cân bằng giữa việc lạm phát gia tăng và mối nguy đối với nền kinh tế ngày càng lớn từ đại dịch COVID-19, trước sự hoành hành của biến thể Delta.

Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới trực tuyến FXTM của CH Cyprus cho rằng vàng có thể vẫn bị giới hạn trong biên độ giao dịch hẹp cho đến khi cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed (bắt đầu từ ngày 27/7) kết thúc.

Cũng trong phiên này, giá bạc hạ 1,8% xuống mức 24,71 USD/ounce, giá palladium lùi 1,8% xuống 2.609,14 USD/ounce. Còn giá bạch kim mất 1,1%, xuống 1.052,96 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 28/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,60-57,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục