Tờ The Economist vừa đăng bài viết cho biết 4 thước đo về sự phục hồi gồm giá thị trường, chỉ số hoạt động “tần suất cao," dữ liệu cứng và dự báo của các nhà kinh tế - đều đưa ra những tín hiệu hỗn hợp về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Bài viết nêu rõ trong những ngày gần đây, sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng khi các thị trường chứng khoán biến động; đường đi của lạm phát và thị trường lao động ngày càng biến động, cùng với đó là sự xuất hiện của biến thể Delta.
Lâu nay, trái phiếu kho bạc Mỹ là nơi "trú ẩn" trong những thời điểm bất ổn. Tháng Ba vừa qua, các nhà đầu tư đã bán tháo chúng khi lo ngại lạm phát gia tăng, đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên mức 1,7%. Nhưng chỉ số này đã dần giảm trở lại kể từ khi những hoài nghi về sự phục hồi kinh tế bền vững càng trở nên có cơ sở.
Mối lo ngại về tăng trưởng dường như gia tăng vào ngày 19/7, khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,19%. S&P 500, chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, giảm tới 1,6%, với các công ty nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giá cả hàng hóa cũng bị tác động mạnh. Giá dầu Brent giảm 7% xuống mức 69 USD/thùng. Đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác trên thế giới.
Tất cả điều này dường như phù hợp với những lo ngại về sự phục hồi và đặc biệt là việc đánh giá lại cái được gọi là “giao dịch tái chế” - nơi các nhà đầu tư mua tài sản có khả năng hưởng lợi nhất từ sự đi lên của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, nỗi sợ hãi về tăng trưởng dường như đã biến mất, khi thị trường chứng khoán đã "xoay chuyển đà giảm," trong khi giá dầu và lãi suất trái phiếu phục hồi chút ít.
The Economist cũng chỉ ra một bức tranh lộn xộn tương tự. Nếu trong báo cáo gần đây, ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng các thước đo về di chuyển toàn cầu vẫn đang tăng lên, ám chỉ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn duy trì, song Anh - một quốc gia lớn và giàu có đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta lại "đang kể" một câu chuyện khác.
[IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021]
"Chỉ số hoạt động kinh tế" của The Economist đối với Anh, sử dụng dữ liệu của Google về lượt ghé thăm nơi làm việc, các trạm trung chuyển và các địa điểm bán lẻ và giải trí, đã giảm khoảng 5% kể từ khi đạt đỉnh vào tháng Sáu và có rất ít dấu hiệu cho thấy sự di chuyển cao hơn sau ngày 19/7 khi Anh dỡ bỏ tất cả các hạn chế để phòng, chống COVID-19.
Giới phân tích cho rằng ở một mức độ nào đó, câu chuyện của Anh có thể tạo ra một xu hướng. Ở Mỹ, các cuộc khảo sát cũng cho thấy sự gia tăng số ca mắc COVID-19 có liên quan đến biến thể Delta đi kèm với sự gia tăng nỗi sợ hãi của người dân đối với loại virus này.
Theo The Economist, loại dữ liệu khó nhất - do các cơ quan thống kê chính thức phát hành, chưa phản ánh tác động của việc gia tăng số ca mắc COVID-19, song các dữ liệu này cũng đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau.
Các thước đo kinh tế "bất ngờ" (bởi so sánh các con số được công bố với dự báo của các nhà kinh tế) trong các chỉ số hoạt động vẫn có vẻ khá tích cực, đặc biệt là ở châu Âu. Xây dựng nhà ở Mỹ đang mạnh mẽ hơn so với mong đợi; Chính phủ Anh đang vay ít hơn so với dự báo - một dấu hiệu cho thấy thu thuế đã phục hồi tốt. Nhưng cũng có những nỗi thất vọng. Ví dụ, ở Mỹ, chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm trong tháng Bảy, trái ngược với sự với kỳ vọng là tăng.
Chính những thay đổi trong các chỉ số hoạt động đã khiến các nhà kinh tế xem xét lại kỳ vọng về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mình, đồng thời đưa ra những dự báo không chắc chắn.
Các nhà phân tích tại JPMorgan cho rằng sản lượng của nền kinh tế Mỹ sẽ tăng với tốc độ 4,3%, thấp hơn những gì họ đã dự báo cách đó chỉ một tuần.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs nhận thấy có những nguy có đi xuống đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.
Tất cả những điều này đã tạo ra "bức tranh" không chắc chắn ngày càng tăng về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngày càng nhiều quan ngại rằng, khi biến thể Delta lây lan, sự gia tăng trở lại của số ca mắc mới có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở những nơi phần lớn người dân chưa được tiêm chủng vaccine ngừa bệnh./.