Giá dầu và vàng đi lên, chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên 17/1

Đà tăng của giá dầu Brent có thể được duy trì trong một thời gian nữa; giá vàng đang tiếp tục tăng trong khi giới đầu tư chứng khoán châu Âu không bị tác động nhiều từ nỗi lo biến thể Omicron.
Giá dầu và vàng đi lên, chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên 17/1 ảnh 1Bơm dầu thô tại một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, Utah, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 17/1, giá dầu thế giới đi lên khi các nhà đầu tư nhận định nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt, mặc dù đà tăng sản lượng của Libya giúp bù đắp một phần tình trạng giảm sản lượng của các nhà sản xuất lớn.

Chốt phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 42 xu Mỹ (0,5%) lên 86,48 USD/thùng, sau khi có lúc tăng lên 86,71 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 3/10/2018. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 53 xu Mỹ (0,6%) lên 84,35 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên 84,78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 10/11.

Theo các nhà giao dịch, hoạt động tăng cường mua dầu, do thiếu hụt nguồn cung và dấu hiệu biến thể Omicron không gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu như lo ngại trước đây, đã đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất trong nhiều năm. Điều này cho thấy đà tăng của giá dầu Brent trong tương lai có thể được duy trì trong một thời gian nữa.

Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities (Nhật Bản) nhận định giá dầu nhận được lực đẩy, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (còn gọi là OPEC+) không cung cấp đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong khi đó, tổng sản lượng dầu của Libya đã phục hồi mức 1,2 triệu thùng/ngày.

Ông Tazawa đánh giá lo ngại về hạn chế nguồn cung có tác động mạnh mẽ đến thị trường hơn so với thông tin về khả năng Trung Quốc sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc có kế hoạch giải phóng dự trữ dầu trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 31/1-6/2 như một phần trong kế hoạch của các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhằm điều chỉnh đà tăng của giá dầu.

Giá vàng tăng trong phiên 17/1 tại châu Âu, dù mức tăng bị hạn chế trước khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1,819,41 USD/ounce vào lúc 22 giờ 26 phút (theo giờ Việt Nam).

Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.

Người phụ trách chiến lược thị trường hàng hóa tại Bank of China International, Xiao Fu, cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể có tác động tiêu cực lên giá vàng, nhưng giá kim loại này vẫn đang tiếp tục đà tăng, chủ yếu do bản cân đối kết toán của Cục Dự trự Liên bang Mỹ (Fed) vẫn ở mức cao.

Sự chú ý đang được hướng đến cuộc họp trong hai ngày 25-26/1 tới của Fed, sau khi các quan chức có những phát biểu cho thấy lãi suất có thể được nâng lên vào tháng Ba để kiểm chế lạm phát.

[Giới chức Fed củng cố thêm quyết định nâng lãi suất từ tháng 3/2022]

Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng các nhà giao dịch có thể thận trọng trước khi Fed nâng lãi suất trở lại, chờ những dấu hiệu rõ ràng hơn từ ngân hàng này sau cuộc họp sắp tới trong quyết định nâng lãi suất vào tháng Ba.

Trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,1%, lên 22,97 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,4%, lên 974,32 USD/ounce và giá palladium tăng 0,5%, lên 1.887,19 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 18/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 61,05-61,67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu và vàng đi lên, chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên 17/1 ảnh 2Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán tại Frankfurt, Đức.( Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên giao dịch 17/1, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bất ngờ bị chậm lại và tâm lý lạc quan về tác động của biến thể Omicron làm tăng niềm tin của giới đầu tư.

Thị trường chứng khoán Phố Wall đóng cửa nghỉ lễ, trong lúc giá dầu mỏ tăng nhẹ do lo ngại nguồn cung hạn chế và đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền quan trọng khác.

Mặc dù, tốc độ lây lan nhanh chóng ban đầu của biến thể Omicron gây lo ngại cho sự phục hồi kinh tế ban đầu, tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng biến thế mới của dịch COVID-19 gây ra bệnh nhẹ hơn và chương trình tiêm chủng vaccine tăng cường của các chính phủ đã phần nào giúp giới đầu tư giảm bớt lo ngại.

Những lo ngại về lạm phát tăng vọt và lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, không làm giảm niềm tin của giới đầu tư vào thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) tăng 0,9% lên 7.611,23 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 0,3% lên 15.934,62 điểm. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) tăng 0,8% lên 7.302,11 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,7% lên 4.302,11 điểm.

Cùng ngày, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 của nước này tăng 8,1%, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua. Theo NBS, mức tăng trưởng trên cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý 4/2021 có phần chậm lại, chỉ ở mức 4%. Mức này cao hơn so với mức dự báo, song lại là mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng một năm rưỡi qua.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 17/1, chỉ số VN-Index giảm 43,18 điểm (2,89%) xuống 1.452,84 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 21,52 điểm (4,61%) xuống 445,34 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục