Giá dầu, vàng tại thị trường châu Á chuyển động trái chiều trong tuần qua

Dù giảm trong phiên 26/1, nhưng giá dầu đang hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2023; trong khi giá vàng hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 26/1, nhưng đang hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.

Diễn biến này xảy ra khi đà tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ và những dấu hiệu về các động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý trên thị trường “vàng đen."

Vào lúc 14 giờ 15 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 47 xu Mỹ, hay 0,57%, xuống 81,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 61 xu Mỹ, hay 0,79%, xuống 76,75 USD/thùng.

Giá dầu Brent đang hướng đến mức tăng 4,5% trong cả tuần này, trong khi mức tăng này của giá dầu WTI là 4,8%. Các mức tăng này sẽ đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp của các loại dầu trên và là các mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 13/10 năm ngoái.

Giá dầu giảm phần nào trong phiên này trước những dấu hiệu cho thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu tại Biển Đỏ có thể dịu xuống.

Tâm lý trên thị trường dầu đã cải thiện sau khi số liệu được công bố ngày 25/1 cho thấy kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trong quý 4 năm ngoái.

Bên cạnh đó, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Giá dầu còn được hỗ trợ trong tuần này nhờ lượng dầu thô dự trữ giảm mạnh hơn dự đoán, và tình trạng gián đoạn nguồn cung nhiên liệu do xung đột tại Ukraine gia tăng.

Giá vàng hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp

Giá vàng châu Á đang hướng đến tuần giảm giá thứ hai liên tiếp trong phiên 26/1, khi sự ổn định của kinh tế Mỹ đã giữ đồng USD ở gần mức cao nhất trong nhiều tuần qua, trong khi thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu lạm phát sắp được công bố.

Vào lúc 14 giờ 52 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay “đi ngang” ở mức 2.020,20 USD/ounce. Giá vàng giảm hơn 0,4% kể từ đầu tuần này tính đến nay.

Kinh tế Mỹ vẫn đang thế hiện sự ổn định. Theo ông Kelvin Wong, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty tài chính OANDA, điều này đã giới hạn sức mạnh của vàng, cùng với việc những dự đoán về thời điểm hạ lãi suất đầu tiên của Mỹ đã bị đẩy lùi ra xa hơn trong năm nay.

Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã tăng 0,4% trong tuần này và đang ở gần mức cao nhất sáu tuần qua, từ đó khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Phần đông thị trường đang dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng này. Giới giao dịch đã đẩy lùi thời điểm mà Fed được dự đoán sẽ hạ lãi suất lần đầu và hiện xác suất ngân hàng này hạ lãi suất vào tháng Năm là 93%, theo LSEG.

Thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến được công bố vào lúc 20 giờ 30 phút hôm nay theo giờ Việt Nam.

Chứng khoán châu Á ghi nhận mức tăng cho cả tuần

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều 26/1, nhưng được dự đoán sẽ khép lại chuỗi giảm điểm kéo dài ba tuần trước đó, khi thị trường đang chờ đợi số liệu PCE của Mỹ.

Phiên này, chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,2%, nhưng đang hướng đến mức tăng khoảng 1,8% trong cả tuần này.

Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 485,40 điểm, hay 1,34%, xuống 35.751,07 điểm, một phần vì những dự đoán gia tăng rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Bảng điện tử niêm yết chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 4,11 điểm, hay 0,14%, xuống 2.910,22 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng ở Hong Kong để mất 259,73 điểm, hay 1,6%, xuống 15.952,23 điểm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng Trung ương) mới đây đã cắt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Động thái này sẽ bơm thêm khoảng 140 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng.

Quyết định này diễn ra một ngày sau khi Bloomberg News đưa tin giới chức Trung Quốc đang tìm cách huy động khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (278,98 tỷ USD) để bổ sung vào quỹ bình ổn kinh tế.

Động thái trên đã nâng đỡ chứng khoán Trung Quốc trong những phiên trước, nhưng thị trường giảm điểm trong phiên này do giới đầu tư chốt lời và thận trọng chờ đợi thêm thông tin về kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục