Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ dịp Tết Nguyên đán 2016 trên địa bàn sẽ tăng từ 20-30% so với dịp bình thường.
Để bình ổn thị trường và giá cả các mặt hàng trước, trong và sau Tết, các công ty, doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo chất lượng với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng để cung ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Các đơn vị có lượng hàng dự trữ hàng lớn gồm Nhà máy Đường An Khê dự trữ 20.000 tấn đường trị giá gần 280 tỷ đồng; siêu thị Co.op Mart Pleiku chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm, quần áo may mặc và các sản phẩm hóa mỹ phẩm trị giá 120 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn tại Tây Nguyên chuẩn bị nguồn hàng trị giá hơn 140 tỷ đồng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên có nguồn hàng hơn 110 tỷ đồng…
Cùng với việc cam kết đảm bảo đủ số lượng hàng hoá, nguồn hàng chất lượng và hạn chế thấp nhất việc tăng giá, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị đầy đủ phương tiện bán hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa gắn với các chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho người tiêu dùng, trong đó, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai là đơn vị chủ lực với gần 50 đầu xe phân phối cho hơn 3.000 điểm bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.
Để đảm bảo nguồn cung, kiểm soát tốt chất lượng và giá cả hàng hóa, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu cơ và nâng giá tùy tiện các mặt hàng thiết yếu trên thị trường trước, trong và sau Tết Bính Thân 2016./.