Gia Lai: Hệ lụy của sự phát triển nóng điện Mặt Trời mái nhà

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 3.250 hệ thống điện Mặt Trời mái nhà được đấu nối phát điện lên lưới với tổng công suất hơn 600MWp - vượt khả năng truyền tải của hạ tầng lưới điện.
Gia Lai: Hệ lụy của sự phát triển nóng điện Mặt Trời mái nhà ảnh 1Các công trình điện Mặt Trời mất nguồn thu vì áp lực cắt giảm điện phát lên lưới. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Sau gần 2 năm phát triển nóng các dự án điện Mặt Trời mái nhà, đến thời điểm này, câu chuyện thừa điện năng đã lộ diện như dự báo từ trước.

Trước áp lực phải trả lãi vay và duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp tại Gia Lai đã gửi đơn đến chính quyền địa phương và các bộ ngành trung ương.

Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện Mặt Trời chủ yếu là vốn vay ngân hàng, chiếm tới 70-80%. Do đó việc sa thải một lượng lớn công suất điện Mặt Trời dẫn đến việc các doanh nghiệp mất nguồn thu không đủ trả tiền gốc, lãi vay, chi phí vận hành, duy tu và bảo dưỡng.

Anh Phan Minh Thơ, Quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tiến Minh Gia Lai, đầu tư điện Mặt Trời trang trại tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, chia sẻ sau khi có cơ chế ưu đãi, doanh nghiệp đã mạnh dạn vay 12 tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án gần 1MWp. Ban đầu doanh thu của doanh nghiệp khá ổn định để cân đối trả nợ gốc và lãi vay trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, theo yêu cầu của Công ty Điện lực Gia Lai, mỗi tháng hệ thống điện Mặt Trời của đơn vị phải cắt giảm phát lên lưới từ 5 đến 6 ngày. Việc cắt giảm thường rơi vào khung giờ từ 8h sáng đến 15h chiều làm cho doanh nghiệp thiệt hại nặng.

[Vá lỗ hổng trong phát triển điện Mặt Trời ở các tỉnh Tây Nguyên]

Cùng chung tình cảnh, anh Huỳnh Trần Hoàng Thắng, Quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An An ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết với việc phải vay gần 10 tỷ đồng để đầu tư công trình điện công suất 1MWp, hàng tháng doanh nghiệp phải trả nợ gốc 100 triệu đồng và khoảng 65 triệu đồng tiền lãi.

Đây là số tiền lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Thêm vào đó thời gian qua Công ty điện lực Gia Lai luân phiên nhắn tin để cắt giảm điện Mặt Trời, có khi cắt giảm cả ngày. Mỗi tháng trung bình doanh nghiệp bị cắt giảm từ 8 đến 12 ngày, ước thiệt hại trên dưới 100 triệu đồng. Doanh nghiệp đang phải lo trả tiền lãi ngân hàng.

“Tình trạng cắt điện ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp. Tôi đề nghị ngân hàng thương mại và chính quyền có chính sách hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp giảm bớt sức nặng về tài chính. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn," anh Thắng khẳng định.

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 3.250 hệ thống điện Mặt Trời mái nhà được đấu nối phát điện lên lưới với tổng công suất hơn 600MWp - vượt khả năng truyền tải của hạ tầng lưới điện.

Thêm vào đó, tác động từ đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nguồn cung điện càng vượt cầu.

Để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện, trước đó Công ty Điện lực Gia Lai đã bắt buộc phải điều tiết cắt giảm luân phiên công suất phát của các hệ thống điện Mặt Trời.

Mới đây nhất, ngày 20/9, Công ty Điện lực Gia Lai tiếp tục có công văn gửi đến các đơn vị trực thuộc về phương án huy động nguồn điện Mặt Trời mái nhà.

Công ty sẽ giảm công suất huy động đối với tất cả các hệ thống điện Mặt Trời đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp từ ngày 20-26/9 với phương thức huy động tối đa công suất không vượt quá 50% công suất đặt. Đối với các khách hàng điện Mặt Trời có sử dụng điện để sản xuất kinh doanh thì tiết giảm 50% công suất phát ngược lên lưới.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh nhận định tổng công suất điện Mặt Trời như tỉnh Gia Lai là 600 MWp nhưng nhu cầu dùng điện không cao do tính toán phụ tải chưa chính xác, kéo theo doanh nghiệp bị tiết giảm công suất quá lớn.

Từ đó việc vận hành phát điện của các doanh nghiệp không đủ bù đắp lại các chi phí quản lý vận hành, trả vốn vay ngân hàng và các chi phí khác. Nếu như vấn đề này không được xử lý một cách sớm nhất thì nguy cơ phá sản hoặc sẽ dẫn đến mất trật tự an toàn xã hội nên các doanh nghiệp gửi đơn lên các cấp chính quyền.

“Về phía Sở Công Thương đã ra công văn yêu cầu Công ty Điện lực phải báo cáo kế hoạch tiết giảm, thời gian tiết giảm và công khai minh bạch việc tiết giảm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, website… tránh gây phản ứng cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành công thương sẽ có văn bản gửi cho Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu phương án để nâng cao công suất khai thác cho các doanh nghiệp hoặc kiến nghị đến cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng mua bán điện như kiến nghị của doanh nghiệp,” ông Binh cho biết thêm.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng mua bán điện đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm, sa thải công suất.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và EVN xác định rõ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến các doanh nghiệp đầu tư điện Mặt Trời, từ đó có quy định cụ thể đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay dự án điện Mặt Trời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục